|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến lược gia hàng đầu cảnh báo chứng khoán Mỹ sẽ còn đi xuống, nhà đầu tư không nên chủ quan như năm 2008

12:13 | 21/12/2022
Chia sẻ
Chiến lược gia cổ phiếu hàng đầu thế giới, ông Mike Wilson cảnh báo các nhà đầu tư không nên chủ quan bởi thị trường có thể còn giảm giá sâu hơn sau khi lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống.

Theo Fortune, trong 50 năm qua, ngay cả giữa các cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất, những đợt tăng giá ngắn đã xuất hiện trung bình khoảng 6,5 lần.

Năm 2022 cũng không phải ngoại lệ. Tuy vậy, Giám đốc đầu tư và chiến lược gia chứng khoán Mỹ của Morgan Stanley, ông Mike Wilson đã cảnh báo các nhà đầu tư không nên rơi vào “bẫy gấu”.

Ngay cả khi S&P 500 đã tụt dốc 20% trong năm nay, ông Wilson, người được công nhận là chiến lược gia cổ phiếu hàng đầu thế giới theo khảo sát của tạp chí Institutional Investor, tin rằng chứng khoán sẽ còn tụt đốc hơn nữa.

Ông lập luận rằng các nhà đầu tư đã quá tập trung vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát, trong khi vấn đề thực sự là tăng trưởng kinh tế chậm lại và lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống.

Ông Wilson nhận định: “Cuộc suy thoái lợi nhuận có thể sẽ tương tự như những gì đã xảy ra trong năm 2008/2009. Lời khuyên của chúng tôi là đừng cho rằng thị trường đã tính đến kết quả này trước khi chúng thực sự xảy ra”.

Chỉ số S&P 500 chỉ thực sự chạm đáy vào năm tháng 3/2009.

Ông Wilson tin rằng trong quý I/2023, S&P 500 sẽ giảm xuống còn 3.000 đến 3.300 điểm, từ mức khoảng 3.800 điểm hiện nay. Đến cuối năm sau, ông hy vọng chỉ số này sẽ phục hồi về mức 3.900 điểm hoặc thậm chí 3.500 trong “trường hợp giá xuống”.

Tuy nhiên, bất chấp những dự đoán thảm họa bởi Phố Wall về một cuộc suy thoái “dài gấp đôi bình thường” hay thậm chí “một phiên bản khác của Đại Suy thoái”, ông Wilson cho biết nền kinh tế nhiều khả năng sẽ chống lại được ảnh hưởng của lãi suất và lạm phát cao, hoặc ít nhất tránh “suy thoái trên bảng cân đối kế toán” hoặc “rủi ro tài chính mang tính hệ thống”.

Vị chiến lược gia này đưa ra lời cảnh báo cho các nhà đầu tư: “Sự giảm giá sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì nhà đầu tư dự báo”.

Sai lầm như năm 2008?

Ông Wilson nói rằng các nhà đầu tư đang phạm phải sai lầm tương tự như tháng 8/2008, tức là đánh giá thấp rủi ro lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm.

“Chúng tôi nghe từ khách hàng rằng mọi người đều biết dự báo lợi nhuận năm tới quá cao, và đã được thị trường phản ánh vào giá”, ông đề cập tới những dự báo lạc quan. 

“Tuy nhiên, chúng tôi từng nghe những điều tương tự vào tháng 8/2008, khi mức chênh lệch giữa mô hình lợi nhuận của chúng tôi và quan điểm của [các nhà đầu tư] cũng lớn như hiện nay”, ông nói.

Vào giữa tháng 8/2008, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào một cuộc suy thoái, và chỉ số S&P 500 giảm 20%, xuống còn 1.300 điểm. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu tin rằng điều tồi tệ đã kết thúc. Tuy nhiên, thị trường chỉ chạm đáy thực sự khi lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Đến tháng 3/2009, chỉ số S&P 500 chỉ còn 683 điểm. 

Theo ông Wilson, vào tháng 8/2008, chỉ số S&P 500 được giao dịch ở mức gấp 13 lần lợi nhuận. Hiện tại, con số này là 16,8 lần. Vì vậy ông kết luận thị trường đang được định giá quá cao.

14 năm trước, Fed đã hạ lãi suất khoảng 3,25 điểm % để cứu nền kinh tế Mỹ. Ngược lại, giờ đây, Fed dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất nhằm chống lạm phát. Ông Wilson cho rằng Fed sẽ khó có thể giải cứu thị trường chứng khoán thông qua nới lỏng chính sách.

 

Lạm phát vào tháng 8/2008 là 5,3%, trong khi tháng 11/2022 là 7,1%. Tuy vậy, ông Wilson không tin rằng cổ phiếu sẽ tụt mạnh như năm 2008, bởi thị trường nhà đất và ngân hàng đang ổn định hơn. 

Chiến lược gia này cũng cho biết, việc Mỹ tránh được suy thoái chưa chắc đã là tin tốt với nhà đầu tư. “Nhiều nhà đầu tư cảm thấy thoải mái rằng chúng ta có thể tránh một cuộc suy thoái vào năm sau, hay ‘hạ cánh mềm’. Trong kịch bản này, Fed sẽ không giải cứu thị trường ngay cả khi dự báo lợi nhuận sụt giảm”.

Suốt năm 2022, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng rằng lạm phát sẽ đi xuống, cho phép Fed ngừng nâng lãi suất hoặc nới lỏng. Tuy vậy, ông Wilson tin rằng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng khi lạm phát đi xuống, bởi nhiều doanh nghiệp Mỹ từng tăng thu nhập bằng cách nâng giá và chuyển chi phí sang người tiêu dùng.

Lơi nhuận doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu đi xuống trong quý III/2022.

Nhà đầu tư giàu có cũng lo ngại

Cùng quan điểm với ông Mike Wilson, khảo sát của CNBC cho thấy các nhà đầu tư giàu có đang đặt cược vào việc chứng khoán Mỹ sẽ đi xuống với tốc độ hai con số trong năm sau.

56% nhà đầu tư triệu phú được khảo sát kỳ vọng chỉ số S&P 500 sẽ giảm 10% vào năm 2023. Gần 1/3 dự báo mức đi xuống hơn 15%. CNBC đã khảo sát ý kiến của những người có tài sản đầu tư hơn 1 triệu USD.

28% nhà đầu tư cho biết thị trường chứng khoán là rủi ro lớn nhất đối với tài sản của họ trong năm tới. Ông George Walper, Chủ tịch của Spectrem Group, đơn vị thực hiện khảo sát cùng CNBC cho biết: “Đây là [đợt khảo sát] bi quan nhất mà chúng tôi từng thấy trong nhóm [nhà đầu tư này] kể từ Khủng hoảng Tài chính năm 2008-2009”.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán Mỹ sẽ còn xuống sâu hơn trong năm 2023.

Ông Walper tiết lộ rằng lạm phát, lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái đang đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư giàu có. Triển vọng ảm đạm này có thể tạo thêm áp lực lên thị trường, bởi các nhà đầu tư triệu phú nắm hơn 85% cổ phiếu riêng lẻ (không phải cổ phiếu trong các quỹ đầu tư).

Hơn 1/3 số triệu phú kỳ vọng lợi nhuận đầu tư (bao gồm cả trái phiếu và các tài sản khác, cùng với cổ phiếu) sẽ âm vào năm tới. Đa phần kỳ vọng mức lợi nhuận nhỏ hơn 4%. Để so sánh, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn hiện đã lên 4%.

Nhiều nhà đầu tư cũng đang cầm tiền và lên kế hoạch tránh khỏi thị trường, ít nhất là trong tương lai gần. Gần một nửa (46%) nhà đầu tư triệu phú có nhiều tiền mặt trong danh mục đầu tư hơn năm ngoái. Trong khi đó, 17% đang nắm giữ tiền mặt “hơn rất nhiều”.

60% số triệu phú cũng kỳ vọng nền kinh tế sẽ “yếu hơn” hoặc “yếu hơn nhiều” vào cuối 2023. 

Tuy vậy, quan điểm giữa các triệu phú già và trẻ có sự khác biệt lớn. 81% triệu phú thế hệ Y (năm sinh từ 1981 đến 1996) kỳ vọng tài sản sẽ tăng trong năm sau. Hơn một nửa (46%) thậm chí còn tin rằng tài sản sẽ lên hơn 10%.

Ngược lại, 61% người thuộc thế hệ Baby Boomer (năm sinh từ 1946 đến 1964) kỳ vọng tài sản sẽ “thấp hơn” hoặc “thấp hơn nhiều” vào năm tới. 

Ông George Walper, Chủ tịch của Spectrem Group, cho biết thế hệ Y đã trưởng thành trong thời kỳ lãi suất thấp và giá tài sản tăng nhanh. Trong khi thế hệ già hơn có thể nhớ về những năm 1970-1980, khi S&P 500 giảm sâu trong hơn một thập kỷ.

Minh Quang