|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Châu Âu đã dùng núi tiền để phục hồi kinh tế sau COVID-19, song khả năng thành công vẫn là ẩn số

18:12 | 06/06/2020
Chia sẻ
Liên minh châu Âu đang chi rất nhiều tiền trong thời kì suy thoái sâu nhất của khu vực từ thời kì Đại suy thoái, song có thể nỗ lực ấy không thể thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm .

Hôm 4/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo họ sẽ mở rộng chương trình mua trái phiếu khổng lồ để chống cú sốc từ đại dịch viêm phổi cấp COVID-19. ECB đã cam kết mua 1,35 nghìn tỉ euro (1.500 tỉ USD) trái phiếu, tăng 600 tỉ euro (675 tỉ USD), theo CNN.

Trước đó, chính phủ Đức phê duyệt gói kích thích trị giá 130 tỉ euro (146 tỉ USD) để khởi động nỗ lực phục hồi trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đưa ra các khoản giảm thuế và ưu đãi mới cho người mua xe điện.

"Sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ có vai trò rất quan trọng để khôi phục kinh tế", bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, nói trong cuộc họp báo hôm 4/6.

Giới đầu tư đánh giá cao cả hai động thái của ECB và chính phủ Đức, khiến đồng euro tăng giá 0,6% so với USD. Song nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng, mặc dù các chính sách ấy cần thiết, chúng chỉ có tác dụng phần nào trong bối cảnh khó lường hiện nay.

Đại tiệc kích thích kinh tế

Quyết định mở rộng chương trình mua trái phiếu của ECB là một bước quan trọng để duy trì dòng chảy vốn trong khu vực đồng euro và mang tới sự hỗ trợ đối với Italy, nước có khoản nợ chính phủ ở mức rất cao. Mặc dù vậy, mức tăng vẫn lớn hơn so với sự kì vọng của nhiều nhà phân tích.

"Đó thực sự là đại tiệc kích thích kinh tế", ông Carsten Brzeski, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực đồng euro của ngân hàng ING (Hà Lan), bình luận.

Châu Âu đã dùng núi tiền để phục hồi kinh tế sau COVID-19, song khả năng thành công vẫn là ẩn số - Ảnh 1.

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng châu Âu. Ảnh: Getty Images

Dự báo ảm đạm đối với nền kinh tế của châu Âu đã thôi thúc các nhà hoạch định chính sách hành đồng quyết liệt hơn. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tổng sản phẩm quốc nội của 19 quốc gia sử dụng đồng euro sẽ giảm 7,75% trong năm, một mức kỉ lục. Nhưng ECB nghĩ tổng sản phẩm quốc nội của 19 nước sẽ giảm 8,7% năm nay.

"Những thông tin mà chúng tôi đang tiếp nhận đã chứng tỏ rằng nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ trải qua sự suy thoái mạnh nhất trong lịch sử", bà Lagarde phát biểu hôm 4/6.

ECB đang kì vọng tình trạng suy thoái sẽ rơi xuống đáy trong quí 2, trước khi nền kinh tế phục hồi trong nửa sau của năm. Tuy nhiên, tình hình đang tiến triển chậm hơn so với kì vọng của họ.

"Mặc dù một số dấu hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện khi các nước bỏ lệnh phong tỏa, mức phục hồi vẫn khá chậm so với tốc độ lao đốc của các chỉ số trong vài tháng trước", bà Lagarde binh luận.

Hành động mạnh của Đức

Trong khi ECB tăng cường mua trái phiếu, họ cũng nhận sự hỗ trợ từ Đức. Chính phủ Đức đã công bố gói kích thích kinh tế 130 tỉ euro hôm 3/6. Gói cứu trợ tương đương 3,8% GDP của Đức. Để ứng phó khủng hoảng tài chính năm 2008, Đức từng tung ra gói cứu trợ tương đương 2,5% GDP.

"Phản ứng của chính sách tài khóa đối với khủng hoảng đang tiệm cận gần hơn với các giáo trình kinh tế. Châu Âu đang hành động mạnh mẽ và quyết đoán", Evelyn Herrmann và Ruben Segura-Cayuela, hai nhà kinh tế học của Ngân hàng Bank of America, bình luận.

Chính sách gây ngạc nhiên là giảm thuế bán hàng để tăng chi tiêu của người dân. Mỗi hộ gia đình sẽ nhận 300 euro (339 USD) cho mỗi đứa trẻ, và chính phủ sẽ tăng gấp đôi mức hỗ trợ cho những người mua ô tô điện.

"Niềm tin của người dân là yếu tố rất quan trọng", Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Olaf Scholz, nói với CNN.

Berlin cũng dành 25 tỉ euro để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn, đồng thời tăng thêm 50 tỉ euro (56 tỉ USD) cho kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng số và thân thiện môi trường.

Châu Âu đã dùng núi tiền để phục hồi kinh tế sau COVID-19, song khả năng thành công vẫn là ẩn số - Ảnh 2.

Sự đồng thuận của Đức và Pháp là yếu tố then chốt trong nỗ lực phục hồi kinh tế châu Âu sau đại dịch COVID-19. Ảnh: DW

Giới phân tích dự đoán nỗ lực kích thích kinh tế của châu Âu sẽ chỉ tăng. Đức và Pháp đã ủng hộ một đề xuất bơm thêm 750 tỉ euro vào thị trường tài chính của Ủy ban châu Âu. Ủy ban châu Âu cũng muốn trao 500 tỉ euro cho các nước thành viên chịu tổn thất lớn nhất bổi dịch COVID-19.

Song cả 27 quốc gia châu Âu sẽ phải đồng thuận với đề xuất, và một số quốc gia ở Bắc Âu đã phản đối việc thay thế các khoản vay bằng tiền trợ cấp của chính phủ. Kế hoạch ấy sẽ là trọng tâm trong mọt cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo châu Âu trong tháng 6.

 Khả năng thành công phụ thuộc vào diễn biến của COVID-19 và tổng cầu

Hiện tại châu Âu đang triển khai gói cứu trợ 540 tỉ euro (612 tỉ USD) để bảo đảm sự phục hồi đồng đều trong toàn khối.

"Tôi tin chắc chắn rằng chúng ta sẽ không thể nói về nền kinh tế Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Thụy Điển một cách riêng rẽ. Các nền kinh tế ấy liên kết chặt chẽ với nhau. Đó là lí do chính phủ Đức ủng hộ đề xuất về hai gói cứu trợ, với trị giá mỗi gói 500 tỉ euro để hỗ trợ nền kinh tế EU", ông Scholz phát biểu.

Ngay cả với hai gói cứu trợ ấy, tốc dộ và quy mô của sự phục hồi kinh tế EU sẽ chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19 ở cả châu Âu và thế giới.

"Hoạt động xuất khẩu mạnh ở Đức chỉ có tác dụng phần nào nếu phần còn lại của thế giới không phục hồi sau dịch COVID-19", hai nhà phân tích Herrmann và Segura-Cayuela nhận định.

Nếu tổng cầu trong nền kinh tế không phục hồi theo tốc độ mà giới chức kì vọng, hoặc làn sóng nhiễm bệnh thứ hai bùng phát khiến các nước tái áp đặt lệnh phong tỏa, núi tiền mà EU chi sẽ không phát huy tác dụng.

Cửu Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.