|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chàng trai nói 'CEO phải là người ngu nhất' huy động 6 tỷ đồng trong Shark Tank Việt Nam

22:17 | 06/01/2018
Chia sẻ
Thích thú mô hình cùng đội ngũ nhân sự của Umbala, hai nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Thủy, Trần Anh Vương góp 260.000 USD cho chàng trai sáng lập công ty.
chang trai noi ceo phai la nguoi ngu nhat huy dong 6 ty dong trong shark tank viet nam 3 nhà đầu tư rót 2,7 tỷ đồng cho công ty du lịch tình nguyện trong Shark Tank Việt Nam

Lên sóng “Thương vụ bạc tỷ” ngày 6/1, chàng trai Nguyễn Minh Thảo - người sáng lập kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Umbala Việt Nam - kêu gọi số tiền 150.000 USD cho 5% cổ phần.

Umbala là ứng dụng quay video, livestream sử dụng các hiệu ứng kỹ xảo, tính năng độc đáo thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ.

Lý giải thêm về sự ra đời Umbala, Minh Thảo kể rằng anh nung nấu ý tưởng Umbala từ lần anh bước vào một phòng trà tại Sài Gòn. Hôm ấy anh tình cờ bắt gặp người bán hoa cho khách hàng mang tặng ca sĩ đang hát. Cùng lúc đó, Thảo nhận thấy nhiều ca sĩ thực sự tài năng nhưng mạo hiểm đi theo dòng nhạc “kén” người nghe. Bởi vậy, anh muốn tạo mạng lưới cộng đồng giúp người hát phô diễn tài năng và tương tác với khán giả yêu thích họ qua màn hình.

chang trai noi ceo phai la nguoi ngu nhat huy dong 6 ty dong trong shark tank viet nam
Nguyễn Minh Thảo - Sáng lập kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Umbala - kêu gọi 150.000 USD cho 5% cổ phần. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Hiện tại, Umbala có 165.000 người sử dụng. Sau ba tuần, ứng dụng này thu về 634 triệu đồng. “Mặc dù doanh thu chưa lớn, nhưng tôi cảm thấy sung sướng vô cùng khi nhìn thấy những đồng tiền đầu tiên Umbala mang lại”, Minh Thảo nói.

Công ty Umbala chưa thực hiện các hoạt động tiếp thị, nhưng đang có nguồn thu từ các tập đoàn Viettel, Mobifone. Minh Thảo cùng các đồng nghiệp từng gọi vốn tại Mỹ. Tuy nhiên, hơn một năm gọi vốn tại Mỹ đều không thành công vì theo anh “Đất Silicon không thiếu những người giỏi cầm vài triệu USD đi gọi vốn”.

Một điểm mạnh khiến tất cả nhà đầu tư đánh giá cao là Umbala sở hữu đội ngũ nhân sự sáng giá như Trần Việt Hùng (chàng trai từng gọi thành công 9 triệu USD ở Thung lũng Silicon), Vũ Duy Thức (từng làm ở Stanford, Google).

Bà Thái Văn Linh nhận định công nghệ Umbala không có nhiều khác biệt. Bên cạnh đó, mô hình cần huy động quá nhiều vốn mà hiện tại chưa có con số tài chính cụ thể để nhà đầu tư đánh giá. Vì thế bà quyết định không đầu tư.

Đồng quan điểm cho rằng đầu tư cho Umbala quá mạo hiểm, hai ông Nguyễn Xuân Phú, Phạm Thanh Hưng lựa chọn trở thành khách hàng của ứng dụng.

Cũng nhận thấy Umbala là một thương vụ mạo hiểm, nhưng đánh giá cao năng lực đội ngũ nhân sự công ty, ông Trần Anh Vương vẫn đưa ra đề nghị nhanh chóng 150.000 USD đổi lấy 10% cổ phần.

Kết nối những người giỏi không dễ, chỉ đạo họ còn khó khăn hơn. “Là người dẫn đầu công ty, bạn làm thế nào để giữ họ?”, ông Nguyễn Ngọc Thủy hỏi Minh Thảo.

Trước thắc mắc của nhà đầu tư, Minh Thảo khẳng định: “CEO phải là người ngu nhất trong công ty. Bởi CEO tìm nhân sự thật sự giỏi, kết nối họ làm việc. Cho nên, bản thân CEO là người ngu nhất trong đội ngũ”.

Theo Minh Thảo, giám đốc công ty chính là người chuyên “chạy tiền”. Chí phí nhân sự của Umbala dao động khoảng 150 triệu - 200 triệu đồng một tháng. Anh còn kiên quyết tuyên bố: “Tôi có thể sống cực khổ, sẵn sàng bán nhà cửa nhưng không bao giờ để anh em thiếu tiền”.

Chủ tịch Egroup Nguyễn Ngọc Thủy tiếp tục đặt Minh Thảo trong tình thế cụ thể: “Khi trong nhóm, mỗi người một ý, bạn làm cách nào để kéo mọi người về cùng một tầm nhìn”.

Không nao núng, Minh Thảo nhấn mạnh quá trình “nhậu”, “mát xa” rất quan trọng trong kinh doanh, đặc biệt để giải quyết một số vấn đề trong đội ngũ hay khi muốn tiếp cận đối tác kinh doanh.

Hoàn toàn thích thú với Umbala, ông Thủy đầu tư 150.000 USD cho 10% cổ phần cùng quyền mua thêm 10% cổ phần với giá bằng nửa giá gọi vốn vòng sau. “Tôi rất tin tưởng vào năng lực đội ngũ nhân sự Umbala. Ngoài ra, tôi muốn đi cùng dự án lâu dài để nhìn nó thành công”, ông Thủy nói.

Doanh nhân Vương quyết định góp vốn cùng ông Thủy, đề nghị 300.000 USD cho 20% cổ phần công ty.

Minh Thảo cho biết: 15% là số cổ phần tối đa mà anh đưa ra.

Trước tình hình đó, hai nhà đầu tư chỉnh lại con số 260.000 USD đổi lấy 15% cổ phần với quyền mua thêm cổ phần với giá bằng 25% giá gọi vốn vòng sau.

“Gói vốn đầu tư này thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu của tôi. Thế nhưng, quan trọng là tôi có cơ hội cùng hai nhà đầu tư làm nên những điều to lớn hơn”, Minh Thảo đồng ý hợp tác thương vụ này.

Sau khi chia tay Minh Thảo, Chủ tịch Egroup Nguyễn Ngọc Thủy còn nói dí dỏm: “Tôi đầu tư vì Minh Thảo có chất điên - thứ mà tôi kỳ vọng”.

chang trai noi ceo phai la nguoi ngu nhat huy dong 6 ty dong trong shark tank viet nam 'Biết mình dốt cũng là điểm mạnh của người khởi nghiệp'

Bùi Mến

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietcombank: Dư nợ cho CBBank vay 10.000 tỷ năm 2022 đã giảm về 1.000 tỷ vào cuối quý I
Ngân hàng dự kiến sẽ trình phương án tiếp tục dùng lợi nhuận của năm 2023 để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) cần sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.