|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CDC Mỹ: Những người không tiêm vắc xin COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 11 lần

08:28 | 13/09/2021
Chia sẻ
Trong một nghiên cứu mới công bố, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 11 lần so với người đã tiêm chủng đầy đủ.

Nguy cơ tử vong gấp 11 lần nếu không tiêm vắc xin

Tại buổi công bố nghiên cứu mới, Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho hay: "Nhìn vào các trường hợp dương tính trong hai tháng qua, khi Delta là biến chủng lây lan chủ yếu tại Mỹ, chúng tôi nhận thấy những người chưa tiêm ngừa có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn khoảng 4 lần rưỡi, rủi ro nhập viên gấp 10 lần và có nguy cơ tử vong gấp 11 lần so với người đã tiêm chủng đầy đủ".

Theo CBS News, các nhà khoa học dự đoán những người được tiêm phòng đầy đủ sẽ chiếm khoảng 10% số trường hợp nhiễm COVID-19 từ cuối tháng 6 đến tháng 7, nếu các mũi tiêm vẫn giữ được hiệu quả cao nhất trong việc ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Tuy nhiên, dù khả năng bảo vệ của vắc xin khỏi nguy cơ nhập viện và tử vong vẫn ở mức cao cho đến giữa tháng 7, CDC cũng công bố dữ liệu khác cho thấy thêm bằng chứng về việc vắc xin giảm dần khả năng bảo vệ ở nhóm người già tại Mỹ.

CDC cho biết, tính đến tháng 8, khả năng giảm rủi ro nhập viện của vắc xin đối với bệnh nhân từ 75 tuổi lên "thấp hơn đáng kể" so với những bệnh nhân trẻ tuổi hơn.

CDC Mỹ: Những người không tiêm ngừa COVID-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 11 lần - Ảnh 1.

Một tình nguyện viên tiếp nhận mũi tiêm thử nghiệm tại trung tâm Research Centers of America, tháng 9/2021. (Ảnh: Reuters).

Tiêm mũi tăng cường

Dữ liệu vừa công bố của CDC còn là dấu hiệu mới nhất cho thấy việc tiêm mũi tăng cường có thể trở nên cần thiết đối với rất nhiều người trong trong những tháng tới, theo CBS News.

Thông qua đánh giá các ca lây nhiễm COVID-19 tại 13 khu vực pháp lý tại Mỹ, CDC cho biết thêm rằng tỷ lệ những người đã được tiêm chủng đầy đủ mắc bệnh đã tăng lên khi biến chủng Delta hoành hành trên khắp cả nước.

Kết quả trên được công bố ngay tại thời điểm các quan chức y tế liên bang đang cân nhắc kế hoạch tiêm mũi tăng cường trên toàn quốc. Giới chức y tế đang chờ sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng như khuyến nghị từ một hội đồng chuyên gia cố vấn vắc xin của CDC.

Pfizer được dự đoán là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên nếu FDA gật đầu đồng ý cho một mũi tiêm tăng cường. Giới chức y tế cũng hy vọng những người đã tiếp nhận vắc xin Moderna và Johnson & Johnson sẽ được chấp thuận tiêm mũi tăng cường trong những tuần tới.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden còn chỉ ra dữ liệu thu thập ở nước ngoài để chứng minh Mỹ cần triển khai các mũi tiêm bổ sung cho những người có nguy cơ cao nhất. Chẳng hạn, Israel đã bắt đầu thực hiện các mũi tiêm tăng cường cho người dân trong nước và đang cân nhắc tiêm mũi thứ 4, theo Bloomberg.

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Biden, cho hay: "Israel là một hiện tượng rất thú vị mà chúng ta có thể quan sát, bởi vì dường như họ đi trước rất nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, trong mọi diễn biến của đại dịch COVID-19 và đương nhiên là bao gồm cả chiến dịch tiêm chủng".

Trong một nghiên cứu chưa qua bình duyệt, các nhà khoa học tại Đại học Yale cho biết việc triển khai mũi tiêm tăng cường sớm có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm COVID-19 lên đến 68%.

Khả Nhân