|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều nước dẫn đầu trong tiêm chủng đều ưu tiên vắc xin COVID-19 cho đối tượng này

19:00 | 09/09/2021
Chia sẻ
Ngoài các nhân viên y tế, những đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền là các nhóm được ưu tiên tiêm chủng COVID-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19 ở các quốc gia nên bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất.

Trong đó, trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn so với người lớn, vì vậy trừ khi họ thuộc nhóm có nguy cơ mắc COVID-19 nặng và cao hơn, thì việc tiêm phòng cho thanh thiếu niên sẽ ít khẩn cấp hơn so với nhân viên y tế, những người có bệnh mãn tính và người lớn tuổi. 

Theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 với nhân viên y tế và những đối tượng dễ bị tổn thương như người già hay có bệnh nền là nhóm ưu tiên.

Đối tượng nào được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 trên thế giới? - Ảnh 1.

Margaret Keenan, cụ bà 91 tuổi được tiêm phòng COVID-19 đầu tiên tại Anh. (Ảnh: Getty Images).

Anh, quốc gia mở đầu chương trình tiêm phòng COVID-19 sớm nhất thế giới hồi cuối năm 2020 bằng việc tiêm cho một cụ bà 91 tuổi. Nước này chủ trương nhóm dân số dễ bị virus tấn công nhất chính là người già sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin.

Mỹ cũng triển khai tiêm ngừa COVID-19 cho bác sĩ, nhân viên y tế và người cao tuổi khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyên rằng cần tiêm vắc xin cho nhân viên y tế và người sống trong viện dưỡng lão, sau đó là những người có bệnh lý nền.

Singapore, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới (80% dân số), đã tiêm chủng cho những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, kế tiếp đó là người cao tuổi, trước khi việc tiêm chủng diễn ra đại trà.

Bên cạnh đó, cũng có một số đất nước đi theo những chiến lược tiêm chủng khác biệt. Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nhận được vắc xin COVID-19 đặt mua từ các hãng dược phẩm lớn  hồi cuối năm 2020. Chính phủ nước này tập trung tiêm chủng cho người dân từ 18 – 59, khởi đầu là đối tượng làm việc ở tuyến đầu như nhân viên y tế, cảnh sát và binh sĩ, theo Bloomberg.

Ông Amin Soebandrio, Giám đốc tại Viện sinh học phân tử Eijkman ở Jakarta lý giải: “Mục tiêu của chúng tôi là miễn dịch cộng đồng. Với việc nhóm dân số năng động và tiếp xúc nhiều nhất (18 - 59 tuổi) được tiêm chủng, họ sẽ tạo thành một pháo đài để bảo vệ các nhóm khác. Sẽ kém hiệu quả hơn nếu chúng tôi dùng lượng vắc xin hạn hẹp để tiêm cho người già khi mà họ ít tiếp xúc với người khác hơn.”.

Hiện nay, trong bối cảnh những biến thể của SARS-CoV-2 mới có khả năng kháng vắc xin xuất hiện, và khả năng bảo vệ của vắc xin bắt đầu giảm bớt, nhiều nước thậm chí đã bắt đầu thực hiện các mũi tiêm tăng cường cho những người mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng và những người có nguy cơ cao, ở tuyến đầu chống dịch. 

Đối tượng nào được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 trên thế giới? - Ảnh 2.

Nhiều nước thực hiện các mũi tiêm tăng cường cho những người mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng và những người có nguy cơ cao. (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters đưa tin, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ hôm 12/8 cho phép tiêm liều vắc xin bổ sung của Pfizer/BioNTech và Moderna cho những người suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư, ghép tạng.

Trước đó, Pháp, Đức và Anh cũng đã thông báo kế hoạch tiêm mũi vắc xin thứ ba cho người suy giảm miễn dịch và người cao tuổi từ tháng 9. Trong tháng 7, Israel bắt đầu tiêm liều bổ sung cho những người suy giảm miễn dịch. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiêm liều thứ ba cho lực lượng y tế và người trên 50 tuổi.

Như Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.