|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 21/7: Nhiều bệnh viện tại Mỹ điêu đứng trước 'sóng' bùng phát COVID-19 mới

07:51 | 21/07/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay, thế giới vượt mốc 14 triệu ca nhiễm COVID-19. Nhà xác tại Mỹ quá tải vì COVID-19, Hong Kong, Tokyo mất kiểm soát với dịch. Trong khi đó, Việt Nam đã 96 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam 96 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, 12 ca nhiễm mới được cách li ngay khi nhập cảnh

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 22/7

Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 96 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 21/7, Việt Nam hiện ghi nhận 396 ca mắc COVID-19.

Việt Nam có tổng cộng 256 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 11.088.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 21/7: Nhà xác tại Mỹ quá tải vì COVID-19 - Ảnh 1.

Tình hình các ca mắc COVID-19 tại Việt Nam (Nguồn: Bộ Y tế).

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận 12 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Các trường hợp này trở về từ Nga, được cách li ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 360/396 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 90,9% tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi đa số đều có sức khoẻ ổn định, hiện có 5 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 31 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.

Nhà xác tại Mỹ quá tải vì COVID-19, Hong Kong, Tokyo mất kiểm soát với đại dịch

Trên toàn thế giới, theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 21/7, toàn thế giới có tổng cộng 14.833.175 ca mắc COVID-19, trong đó có 612.275 người tử vong và 8.889.312 bệnh nhân phục hồi.

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

WHO cho rằng nhiều lãnh đạo chính phủ các nước đang đi sai hướng trong đại dịch COVID-19, và một số nước không thực hiện các bước thích hợp để ngăn chặn dịch lây lan.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã vượt xa ba triệu ca nhiễm COVID-19, cụ thể là 3.958.438 (chiếm 26,71% số ca nhiễm toàn cầu), sau khi ghi nhận thêm 59.888 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 454 ca, nâng tổng số lên 143.743 (gần 1/4 trường hợp tử vong toàn cầu).

Số ca tử vong và số ca nhiễm mới của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều bệnh viện tại Mỹ điêu đứng trước sóng bùng phát nCoV mới: Phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, y tá đổ bệnh hàng loạt, thiếu hụt thiết bị xét nghiệm, thuốc chống virus và nhân lực...

Tại các khu vực bị COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở Mỹ, giới chức đang tìm nơi bảo quản các thi thể khi nhà xác đã quá tải. Theo CNA, Texas và Arizona, nơi đang đối phó với sự gia tăng mạnh mẽ ca nhiễm và tử vong do nCoV, giới chức phải biến các xe tải đông lạnh thành nhà xác do các bệnh viện đang phải chứa quá nhiều thi thể.

Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci khẳng định biểu đồ số ca nhiễm mới ở Mỹ chỉ đi lên, chưa từng giảm xuống tới đường cơ sở và đang tiếp tục tăng trở lại. Ít nhất 27 bang đã quyết định dừng hoặc rút lại kế hoạch tái mở cửa nhằm làm chậm tốc độ lây lan của virus, trong đó có Texas và California.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cùng ngày đều báo cáo số ca nhiễm mới nCoV tăng mạnh, với 10.347 ca ở Florida, 7.196 ca ở Texas và 7.603 ca ở California. Florida là một trong những điểm nóng không đi theo đường lối của Texas và California, như tái phong tỏa hay bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian trong nhà.

Trong khi đó, nhiều người trẻ ở Florida vẫn coi thường COVID-19 và tổ chức các bữa tiệc để xem ai là người nhiễm virus đầu tiên. Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Osceola ở Florida từ tháng 3 tới nay đã nhận hơn 600 khiếu nại về tiếng ồn từ những "bữa tiệc COVID-19", nơi người tham gia đua nhau nhiễm nCoV.

Theo The Hill, Tổng thống Donald Trump vẫn đang thúc ép các trường học trên khắp nước Mỹ mở cửa và tiến hành giảng dạy trực tiếp trong mùa thu này. 

Hôm qua 20/7, ông Trump đăng ảnh đeo khẩu trang lên Twitter và khẳng định đó là hành động yêu nước, kêu gọi người dân tuân thủ khi không thể duy trì cách biệt cộng đồng mặc dù trước đó nhiều lần phủ định công dụng của khẩu trang.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 21/7: Nhà xác tại Mỹ quá tải vì COVID-19 - Ảnh 2.

Ảnh Trump đeo khẩu trang được ông đăng hôm 20/7. (Ảnh: Twitter/Donald J. Trump).

Theo Task&Purpose, ít nhất hai thủy thủ Mỹ có kết quả dương tính với nCoV, có thể do dùng chung đồ bảo hộ khi tham gia dập lửa trên chiến hạm Bonhomme Richard tuần trước với sự tham gia của hơn 400 thủy thủ. Hoạt động truy vết đã xác định được 27 người tiếp xúc gần. 

Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 18.750 ca nhiễm mới và 587 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 2.118.646 và 80.120. Nhiều chuyên gia cho rằng số ca nhiễm nCoV thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với báo cáo do hạn chế xét nghiệm.

Giám đốc Phản ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan nói trong cuộc họp trực tuyến hôm 16/7: "Sự gia tăng các ca nhiễm ở Brazil không còn theo cấp số nhân, nó đã hạ thấp" và khẳng định tỉ lệ lây nhiễm ở Brazil đang "ổn định". Ông cũng kêu gọi Brazil tận dụng thời cơ và thực hiện những biện pháp phối hợp, bền vững để "kiểm soát" dịch bệnh.

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người dương tính COVID-19, nhiều lần đánh giá thấp mối đe dọa của dịch bệnh, chỉ coi đây là "cúm vặt" và phớt lờ các qui tắc cách li cộng đồng, bao gồm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ông cho rằng những biện pháp hạn chế ngăn COVID-19 gây nên hậu quả còn tồi tệ hơn đại dịch.

Tổng thống cho rằng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn nCoV lây lan đang "giết chết" và "bóp nghẹt" nền kinh tế của nước này.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19 với 1.154.917 ca nhiễm và 28.099 ca tử vong, tăng lần lượt 36.810 và 596. 

Chính quyền địa phương khắp Ấn Độ đang tái áp đặt các hạn chế mới được dỡ bỏ gần đây. Một số bang đã bắt đầu tái phong toả từ hôm 15/7.

Hiệp hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế và Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) hôm 16/7 đã cảnh báo toàn khu vực Nam Á đang trở thành tâm dịch COVID-19 tiếp theo.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.940 ca mắc và 85 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 777.486 trường hợp, trong đó 12.427 trường hợp tử vong. Theo thống kê, số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang có dấu hiệu giảm nhẹ.

Đây là ngày thứ 25 liên tiếp số ca mới trong một ngày dưới 7.000 kể từ cuối tháng 4.

Nam Phi đã vượt Peru trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ năm thế giới với tổng số bệnh nhân mắc nCoV đã vượt 300.000 người, cụ thể là 373.628 ca, trong đó, tổng số ca tử vong tại nước này là 5.173.

Trung Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 22 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 83.682 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.799 bệnh nhân được chữa khỏi.

Theo Reuters, Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương của Trung Quốc, đã chuyển sang chế độ "thời chiến" và đưa ra các kế hoạch ứng phó khẩn cấp ngăn COVID-19 hôm 18/7. Thành phố này ghi nhận các ca nhiễm mới và các ca nhiễm không triệu chứng ở cụm dịch quận Thiên Sơn.

Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 73 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.959. Theo AFP, lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam hôm 19/7 cho hay COVID-19 tại đặc khu rất nghiêm trọng và đang vượt khỏi tầm kiểm soát.

Hong Kong ban đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên, tình hình bắt đầu trở nên xấu đi từ cuối tháng 6. Hai tuần qua, số ca nhiễm nCoV liên tục tăng mạnh. Các bác sĩ đang lo ngại về nguy cơ không thể xác định nguồn lây lan virus, khiến nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trở nên rất khó khăn. Nước này ghi nhận mức tăng kỉ lục kể từ khi dịch bùng phát - 108 ca hôm 19/7.

Trưởng đặc khu Carrie Lam tuần trước thông báo áp dụng các biện pháp cách biệt cộng đồng mới, đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh, yêu cầu mọi người dân phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Nhà hàng chỉ được phục vụ đồ ăn mang đi vào buổi tối.

Hôm 19/7, bà tiếp tục công bố các biện pháp nghiêm ngặt hơn, bao gồm lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng khép kín và yêu cầu những công chức không thiết yếu làm việc từ xa.

Nhật, sau khi dỡ tình trạng khẩn cấp hôm 25/5, Tokyo tìm cách duy trì số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày dưới 20. Tuy nhiên, ca nhiễm mới ở thành phố 14 triệu dân này đều vượt 50 trong những tuần qua. Thành phố đã ghi nhận hơn 8.100 ca nhiễm và hơn 320 ca tử vong. 

Bên cạnh đó, theo SCMP, số ca nhiễm không rõ nguồn gốc ở Nhật Bản đã tăng từ 20% lên khoảng 45% tổng số ca nhiễm. Trước tình hình này, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura phải đưa ra cảnh báo mạnh mẽ đối với các câu lạc bộ đêm, nhấn mạnh một số cơ sở có thể sẽ bị yêu cầu đóng cửa nếu không tuân thủ các hướng dẫn an toàn.

Ngày 15/7, Tokyo nâng cảnh báo lên mức cao nhất trong thang cảnh báo - cấp 4, sau khi thành phố ghi nhận các ca nhiễm mới tăng đột biến.

Động thái của chính quyền Tokyo được đưa ra khi 4 trong 6 ngày trước đó, thành phố đều ghi nhận ca nhiễm nCoV hàng ngày vượt 200, trong đó mức cao kỉ lục là 243 ca hôm 10/7.

Thành phố hiện báo cáo hai cụm dịch đáng chú ý là những khu phố giải trí về đêm sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm là những người trẻ, khoảng 20 đến 30 tuổi, liên quan tới khu vực này. Và một nhà hát ở quận Shinjuku, sau khi ghi nhận ít nhất 20 ca nhiễm liên quan tới buổi biểu diễn của một ban nhạc có tiếng.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 21/7: Nhà xác tại Mỹ quá tải vì COVID-19 - Ảnh 3.

Một người đàn ông đeo khẩu trang đi ngang các biển hiệu của quán bar ở quận Kabukicho, Tokyo, Nhật Bản, ngày 14/7. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, nhóm người làm việc trong các ngành dịch vụ đêm ở Nhật đã tự đề ra qui tắc an toàn cho họ giữa đại dịch COVID-19, gồm khử trùng micro karaoke.

Tới hôm nay, Nhật Bản đã ghi nhận 25.096 ca nhiễm và 985 ca tử vong do nCoV.

Như Ý

Chủ tịch Dragon Capital: Lần cuối cùng có thương vụ IPO đình đám đã 6 năm trước
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói thương vụ IPO đình đám gần nhất đã diễn ra từ năm 2018, tại Diễn đàn M&A 2024.