|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/9: Số ca tử vong tại Mỹ có thể tăng gấp đôi vào cuối năm

07:43 | 06/09/2020
Chia sẻ
Tính đến 7h sáng nay 6/9, thế giới có hơn 27 triệu ca nhiễm COVID-19, Ấn Độ lập kỉ lục về số ca nhiễm mới ngày thứ 4 liên tiếp. Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm.

Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam

Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 7/9

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (6/9) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy 36 giờ trôi qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 1.049 trường hợp.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 40.620.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 805/1.049 ca mắc.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 19 cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 27 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 24 ca, số ca âm tính lần 3 là 35 ca.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/9: Số ca tử vong tại Mỹ có thể tăng gấp đôi vào cuối năm - Ảnh 1.

Số ca nhiễm mới và phục hồi hàng ngày tại Việt Nam từ 25/7. (Biểu đồ: Như Ý).

Hiện có 6 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, chiếm (2,9%) trong tổng số bệnh nhân đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 5/6 trường hợp (2,4%), và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp (0,5%). Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. 

Việt Nam có số ca được chữa khỏi nhiều hơn hẳn số ca mắc mới ghi nhận thêm mỗi ngày.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 6/9, toàn thế giới có tổng cộng 27,04 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 882.976 người tử vong và 19,14 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 70,8%). 

Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo Washington Post, chủ nghĩa dân tộc đang phủ bóng cuộc đua vắc xin COVID-19 trên thế giới. Thay vì nỗ lực hợp tác, nhiều quốc gia đang tìm cách chiến thắng để trở thành bên đầu tiên sở hữu vắc xin.

Mỹ, Nga tuyên bố sẽ không tham gia dự án Tiếp cận vắc xin COVID-19 Toàn cầu (Covax), do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bảo trợ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh hôm 2/9 tuyên bố Bắc Kinh sẽ ủng hộ và phối hợp với dự án Covax, nhưng không đưa ra cam kết nào đối với kế hoạch này.

Covax là kế hoạch hợp tác toàn cầu nhằm tăng tốc độ phát triển vắc xin, đảm bảo liều lượng cho tất cả quốc gia và phân phối chúng đến những nhóm dân số có nguy cơ cao nhất.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 6,42 triệu ca nhiễm COVID-19, chiếm 23,77% số ca nhiễm toàn cầu, sau khi ghi nhận thêm 39.745 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 701 ca, nâng tổng số lên 192.812. Tổng số người phục hồi là hơn 3,7 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 57,6%).

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm.

Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới cao, với 3.656 ca ở Florida, 3.703 ca ở Texas và 4.006 ca ở California. Một số bang khác cũng đang nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 2.194 ca, Illinois 2.806 ca.

Theo CNBC, Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME), Đại học Washington hôm 3/9 đưa ra dự báo số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ có thể lên tới 410.000 người vào cuối năm nay, gấp đôi so với hiện tại.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/9: Số ca tử vong tại Mỹ có thể tăng gấp đôi vào cuối năm - Ảnh 2.

Nhân viên y tế vận chuyển thi thể nạn nhân COVID-19 tại một trung tâm y tế ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 4/4. (Ảnh: Reuters).

Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 31.199 và 619 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,12 triệu và 126.203 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 3,29 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 79,8%.

Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này vẫn đang ở mức cao.

Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 4,11 triệu ca nhiễm và 70.679 ca tử vong, tăng lần lượt 90.600 và 1.044 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 77,1% với tổng 3,17 triệu người đã khỏi bệnh.

Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ đang tăng mạnh, và hôm nay là ngày thứ 4 liên tiếp nước này xác lập số ca mắc mới cao kỉ lục với 90.600 ca. Ấn Độ hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 3 trên thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, sau khi ghi nhận thêm số ca tử vong trong 1 ngày qua cao nhất thế giới.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.205 ca mắc và 110 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,02 triệu trường hợp, trong đó 17.759 trường hợp tử vong, và 838.126 người hồi phục (đạt 82,1%). Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000 ca.

Các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo.

Peru là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 676.848 ca, trong đó có 29.554 ca tử vong, và 498.523 người hồi phục (73,6%).

Số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian qua sau khi xác lập kỉ lục hôm 16/8 với 10.143 ca nhiễm mới.

Colombia đã vượt Nam Phi trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 658.456 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 21.156 số ca bình phục là 507.770 (77,1%).

Theo thống kê, số ca nhiễm mới ghi nhận mỗi ngày tại nước này có xu hướng giảm nhẹ sau khi đạt kỉ lục hôm 19/8 với 13.056 ca.

Mexico là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 8 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 623.090 ca, trong đó có 66.851 ca tử vong - cao thứ 4 thế giới, và 434.667 người hồi phục (69,7%).

Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.112 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.284 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập). Như vậy nước này trong 20 ngày qua đều không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG) hôm 5/9 thông báo Serbia và Pakistan sẽ thử nghiệm loại vắc xin COVID-19 do công ty phát triển, theo Reuters.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/9: Số ca tử vong tại Mỹ có thể tăng gấp đôi vào cuối năm - Ảnh 3.

Vắc xin COVID-19 tiềm năng do CNBG phát triển trưng bày tại hội chợ thương mại ở Bắc Kinh hôm 4/9. (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, thêm hai quốc gia giấu tên đồng ý thử nghiệm giai đoạn III với vắc xin COVID-19 tiềm năng  của công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac có tên CoronaVac. CoronaVac đang được thử nghiệm tại Brazil và Indonesia.

Dù việc thử nghiệm chưa hoàn thành, Trung Quốc đã cấp phép sử dụng các vắc xin COVID-19 của Sinovac và CNBG trong trường hợp khẩn cấp đối với những nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế.

New Zealand hôm qua báo cáo một ca tử vong vì COVID-19 đầu tiên sau hơn ba tháng, bệnh nhân là một trong số những ca nhiễm của đợt bùng dịch lần hai ở Auckland tháng trước sau 102 ngày không xuất hiện ca nhiễm cộng đồng tại nước này. Như vậy New Zealand hiện có tổng số 1,767 ca mắc và 24 người tử vong.

Theo AFP,  người dân Auckland tuần này đã được phép ra khỏi nhà, chính quyền vẫn hạn chế các cuộc tụ tập ngoài trường học trong thành phố 1,5 triệu người ở mức 10, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Các lệnh hạn chế tiếp tục duy trì tới ít nhất là ngày 16/9.

Như Ý

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.