Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 7/9: Ca nhiễm mới ở châu Âu tăng nhanh sau nới lỏng phong tỏa
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 8/9
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (7/9) không có ca mắc mới COVID-19. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 1.049 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 39.975.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 815/1.049 ca mắc.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 19 cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 27 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 24 ca, số ca âm tính lần 3 là 35 ca.
Hiện có 6 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, chiếm (2,9%) trong tổng số bệnh nhân đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 5/6 trường hợp (2,4%), và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp (0,5%). Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.
Việt Nam có số ca được chữa khỏi nhiều hơn hẳn số ca mắc mới ghi nhận thêm mỗi ngày.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 7/9, toàn thế giới có tổng cộng 27,27 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 887.094 người tử vong và 19,35 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 70,9%).
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Các nước trên khắp châu Âu đang chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh trở lại gần bằng mốc hồi tháng ba, đặt họ trước nguy cơ đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai sau khi nới lỏng phong tỏa, mở cửa lại nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và văn phòng nhằm tái khởi động nền kinh tế.
Tuy nhiên, số ca tử vong vì COVID-19 tại châu Âu đã giảm từ khoảng 4.000 người trong một tuần hồi đầu tháng 4 xuống còn khoảng 300 người từ đầu tháng 9, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Pháp, Đức, Italy đã báo cáo số ca nhiễm mới tăng cao trong vài tháng gần đây. Các nước như Hy Lạp và Croatia, phần lớn không bị ảnh hưởng bởi đợt sóng đầu tiên, cũng báo cáo số ca nhiễm tăng nhanh trong tháng 8 do khách du lịch đổ tới đây nghỉ hè sau khi biên giới nội bộ châu Âu được mở trở lại hồi tháng 6, theo CNN.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 6,45 triệu ca nhiễm COVID-19, chiếm 23,67% số ca nhiễm toàn cầu, sau khi ghi nhận thêm 29.766 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 396 ca, nâng tổng số lên 193.214. Tổng số người phục hồi là hơn 3,72 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 57,6%).
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ cũng báo cáo số ca nhiễm mới giảm mạnh, với 2.564 ca ở Florida, 1.818 ca ở Texas và 2.652 ca ở California. Một số bang khác cũng đang nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 1.651 ca, Illinois 1.403 ca.
Ấn Độ hôm nay đã vượt Brazil trở thành nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 4,2 triệu ca nhiễm và 71.687 ca tử vong, tăng lần lượt 91.723 và 1.008 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 77,1% với tổng 3,24 triệu người đã khỏi bệnh.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ đang tăng mạnh, và hôm nay là ngày thứ 5 liên tiếp nước này xác lập số ca mắc mới cao kỉ lục với 91.723 ca. Ấn Độ hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 3 trên thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, sau khi ghi nhận thêm số ca tử vong trong một ngày qua cao nhất thế giới.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 14.606 và 456 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,13 triệu và 126.686 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 3,31 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 79,8%.
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này nhìn chung vẫn đang ở mức cao.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.195 ca mắc và 61 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,02 triệu trường hợp, trong đó 17.820 trường hợp tử vong, và 840.949 người hồi phục (đạt 82,1%). Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000 ca.
Các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo.
Peru là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 683.702 ca, trong đó có 29.687 ca tử vong, và 506.422 người hồi phục (74,0%).
Số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian qua sau khi xác lập kỉ lục hôm 16/8 với 10.143 ca nhiễm mới.
Colombia đã vượt Nam Phi trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 666.521 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 21.412 số ca bình phục là 518.229 (77,7%).
Theo thống kê, số ca nhiễm mới ghi nhận mỗi ngày tại nước này có xu hướng giảm nhẹ sau khi đạt kỉ lục hôm 19/8 với 13.056 ca.
Mexico là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 8 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 629.409 ca, trong đó có 67.326 ca tử vong - cao thứ 4 thế giới, và 438.754 người hồi phục (69,7%).
Tây Ban Nha hiện đứng thứ 9 thế giới về số ca nhiễm COVID-19 với 517.133 ca, trong đó có 29.418 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này vẫn đang ở mức cao dù có giảm sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỉ lục hôm 21/8 (9.052 ca)
Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85,122 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.302 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 10 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập). Như vậy nước này đã tròn 3 tuần không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
Theo SCMP, Trung Quốc yêu cầu hành khách từ Mỹ nộp kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trong ba ngày trước chuyến bay, thay vì hai tuần như trước. Qui định mới sẽ áp dụng từ ngày 15/9.