Toàn cảnh một tháng kiểm soát đợt dịch COVID-19 thứ hai ở Việt Nam
Theo Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, ngày 25/7 nước ta đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên (1 ca tại Đà Nẵng) sau 99 ngày liên tiếp không phát hiện trường hợp lây nhiễm nào trong cộng đồng, đánh dấu đợt dịch COVID-19 thứ hai ở Việt Nam.
Tính đến 25/8, đã tròn 1 tháng kể từ ngày dịch COVID-19 quay trở lại, trong thời gian này (từ 6h ngày 25/7 đến 18h ngày 25/8), nước ta đã ghi nhận thêm tổng cộng 616 ca nhiễm, trong đó có 547 trường hợp (chiếm gần 89%) được phát hiện trong cộng đồng tại 15 tỉnh, thành phố.
Trong đó, Đà Nẵng (386 ca), Quảng Nam (96 ca), Hải Dương (15 ca) là ba ổ dịch lớn và phức tạp nhất cả nước. Các tỉnh, thành phố còn lại gồm Hà Nội (11 ca), Hồ Chí Minh (8 ca), Quảng Trị (7 ca), Bắc Giang (6 ca), Quảng Ngãi (5 ca), Lạng Sơn (4 ca), Đắk Lắk (3 ca), Đồng Nai (2 ca), Thái Bình (1 ca), Hà Nam (1 ca), Thanh Hóa (1 ca) và Khánh Hòa (1 ca).
69 trường hợp còn lại được cách li ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Nhìn vào biểu đồ trên, có thể thấy số ca nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam đang có xu hướng giảm rõ rệt, cụ thể giảm 8 lần từ thêm 56 ca trong ngày 31/7 xuống còn dưới 7 ca mỗi ngày trong 5 ngày liên tiếp (21/7 đến 25/7).
Ngược lại với số ca nhiễm mới, số bệnh nhân được chữa khỏi lại có xu hướng tăng lên khá mạnh, đặc biệt trong ngày 18/8 có tới 56 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện.
Cũng trong thời gian này, nước ta đã ghi nhận 27 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tử vong, trong đó Đà Nẵng có 19 ca, Quảng Ngãi 1 ca, Quảng Trị 1 ca và Quảng Nam 6 ca.
Độ tuổi từ 60 đến 69 có số lượng bệnh nhân tử vong nhiều nhất, cụ thể là 10 ca chiếm 37% tổng số. Bên cạnh đó, trong các ca tử vong có 16 trường hợp là nữ giới (chiếm 59%).
100% bệnh nhân tử vong đều có sẵn các bệnh nền như tăng huyết áp, suy thận, suy tim, ung thư, đái tháo đường...
Bệnh nhân tử vong cao tuổi nhất là 93 tuổi và thấp nhất là 33 tuổi. Ca 33 tuổi này là một nữ bệnh nhân ở Đà Nẵng, có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối, suy tim, tăng huyết áp, nhiễm trùng huyết. Nguyên nhân chẩn đoán tử vong của bệnh nhân là viêm phổi nặng do COVID-19, biến chứng suy đa tạng không hồi phục, sốc nhiễm trùng nhiễm độc trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, lọc màng bụng chu kì và suy tim tăng huyết áp...
Ba điểm khác biệt lớn ở đợt dịch COVID-19 thứ hai
Tỉ lệ lây nhiễm cao hơn
Theo Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 đợt này tăng nhanh hơn. Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỉ lệ lây nhiễm cao.
Cụ thể, về chỉ số lây nhiễm, lần dịch này một người lây nhiễm cho khoảng 5 đến 6 người, trong khi đó lần dịch trước chỉ khoảng 1,8 đến 2,2 người. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng.
Chiến lược phòng chống COVID-19 đổi mới, không để đứt gãy nền kinh tế
Về công tác phòng chống dịch COVID-19, ở đợt dịch trước khi số ca mắc tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng, Việt Nam đã thực hiện cách li toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên ở đợt dịch hiện tại, mặc dù được đánh giá là phức tạp hơn, nước ta không áp dụng cách li trên diện rộng, liên tỉnh, thay vào đó chỉ phong tỏa, xử lí các cụm dịch, theo đuổi chiến lược truy vết quyết liệt, khoanh vùng, cách li các ca tiếp xúc gần. Những địa điểm chưa bị ảnh hưởng tiếp tục ở trạng thái bình thường mới để phát triển.
Kết quả, số ca mắc mới trong những ngày qua đã giảm rõ rệt, có thể nói các ổ dịch trong nước như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát.
Cách chống dịch kiểu mới này được đánh giá vừa giúp đảm bảo nền kinh tế không bị thiệt hại quá nặng nề, cũng như giúp người dân có thể "sống chung với lũ" COVID-19 trong thời gian dài.
Công suất xét nghiệm tăng gấp 5 - 6 lần
Theo Bộ Y tế, đến 15h ngày 24/8, Việt Nam đã thực hiện được tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR. Riêng trong ngày 24/8 đã thực hiện 11.698 mẫu.
Đặc biệt, trong vòng 1 tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp 5 - 6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3 - 4 của đợt dịch trước. Số lượng xét nghiệm trong gần một tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của đợt dịch trước.
5 tháng ca mắc COVID-19 mới tăng từ 100 lên 1.000
Theo thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca nhiễm COVID-19 từ 100 lên 1.000 là 9 ngày (riêng Nhật Bản là 28 ngày). Đối với Việt Nam, con số này là khoảng 5 tháng (22/3 đến 20/8).
Theo Bộ Y tế, tính từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam tới 7h ngày 26/8, nước ta đã ghi nhận tổng cộng 1.029 ca nhiễm, trong đó đã có 592 bệnh nhân (chiếm 57,5%) được chữa khỏi, 27 trường hợp (chiếm 2,6%) tử vong và 409 ca bệnh còn lại đang được tiếp tục điều trị.