|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

WHO: 'Còn rất xa mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng'

12:21 | 21/08/2020
Chia sẻ
Miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi có ít nhất 50% dân số có khả năng miễn dịch với COVID-19, trong khi thực tế chỉ khoảng 10% dân số toàn cầu có các kháng thể chống SARS-CoV-2.

“Hiện tại, dân số toàn cầu vẫn còn rất xa mới chạm tới ngưỡng cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh này lan truyền", Business Insider dẫn lời Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO trong một cuộc họp báo hôm 17/8.

"Chúng ta cần tập trung vào những gì có thể làm ngay bây giờ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 và không sống trong hi vọng đạt được miễn dịch cộng đồng để cứu nhân loại".

WHO: 'Còn rất xa mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng' - Ảnh 1.

Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp về sức khỏe của WHO. (Ảnh: AFP).

Gần đây, có một số báo cáo cho rằng miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi có ít nhất 50% dân số có khả năng miễn dịch với COVID-19. Miễn dịch bầy đàn hay miễn dịch cộng đồng xảy ra khi có một tỉ lệ dân số đủ lớn miễn dịch với virus SARS-CoV-2, thông qua vắc xin hoặc đã từng nhiễm bệnh và cơ thể tạo ra được kháng thể, để làm giảm khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đó là một thông tin đáng mừng khi các ước tính trước đó cho rằng tỉ lệ này phải đạt ít nhất là 70%. Nhưng những ước tính này hầu như không liên quan tới các công cụ mà các chuyên gia cho rằng có tác dụng trong phòng chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố trong cuộc họp báo.

Theo WHO, một cách để tăng khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 là sống sót qua hoặc tiếp xúc với virus, từ đó cơ thể phát triển các kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Nhưng các chuyên gia không biết kháng thể này mạnh đến mức nào, kéo dài trong bao lâu và hiệu quả khác nhau giữa các cá thể như thế nào. Một nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có khoảng 10% dân số toàn cầu có các kháng thể này.

Nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên môn về COVID-19 của WHO, cho biết: “Điều đó có nghĩa là một tỉ lệ lớn dân số vẫn dễ bị lây nhiễm, đồng nghĩa với việc virus SARS-CoV-2 có cơ hội lây lan. Nói cách khác, chúng ta còn lâu mới có khả năng miễn dịch cộng đồng".

Tiêm vắc xin chính là một phương án khác, ưu việt hơn giúp cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2. Nhưng một loại vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả hiện vẫn chưa có sẵn. Một khi có vắc xin, loại thuốc này sẽ không thể hiện được hiệu quả nếu chỉ một nhóm nhỏ người sử dụng. 

Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc WHO cho biết: “Chúng ta không thể đánh đồng giữa tỉ lệ tiêm chủng với tỉ lệ dân số được miễn dịch".

"Trong tình cảnh một nửa dân số thế giới đang bị cách li, nền kinh tế bị đình trệ, chúng ta cần phải đặt mục tiêu cao hơn cho miễn dịch cộng đồng", ông Aylward nói. 

Ông cho biết thêm, các công ty và chính phủ chịu trách nhiệm việc triển khai vắc xin không nên tin vào những đề xuất "quyến rũ nhưng nguy hiểm" rằng mức độ miễn dịch cần thiết có thể thấp.

Mike Ryan khuyến nghị thêm, người dân và các nhà lãnh đạo nên nhận ra chờ đợi cho tới khi đạt miễn dịch cộng đồng không phải là một giải pháp cho đại dịch Covid-19", Ryan nói.

Giải pháp duy nhất là thực hiện tất cả các chiến lược được chứng minh là hiệu quả, như xét nghiệm, truy vết, cách li, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, đồng thời tiếp tục hợp tác toàn cầu trong phương pháp điều trị và phát triển vắc xin. 


Như Ý