|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liệu có thể đạt miễn dịch cộng đồng với COVID-19?

05:26 | 17/08/2020
Chia sẻ
Một số nước trên thế giới cho phép virus SARS-CoV-2 lây lan một cách có kiểm soát với hi vọng tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên chiến lược này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Hầu hết các quốc gia rơi vào tình trạng phong tỏa khi COVID-19 lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới nhưng một số nước đã có bước đi khác biệt là nới lỏng kiểm soát, cho phép virus lan truyền tự nhiên để tạo miễn dịch cộng đồng.

Miễn dịch cộng đồng được Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) định nghĩa là tình trạng trong đó có một tỉ lệ dân số đủ lớn miễn dịch với một loại bệnh truyền nhiễm (do tiêm chủng và/ hoặc đã từng nhiễm bệnh trước đó và sản sinh ra kháng thể) khiến dịch bệnh không có khả năng lây lan từ người này sang người khác. 

Ngay cả những người không được tiêm chủng (như trẻ sơ sinh hay những người bị bệnh mãn tính) cũng được bảo vệ vì dịch bệnh có rất ít cơ hội để lây lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, khi vắc xin COVID-19 chưa được phổ biến, chiến lược đạt "miễn dịch cộng đồng" bằng việc để virus tự lây lan trong dân chúng vẫn gây nhiều tranh cãi.

Theo Business Insider, Thụy Điển đã quyết định không áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng và đưa ra tương đối ít các biện pháp hạn chế.

Ông Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Cơ quan Y tế Công cộng của Thụy Điển, trả lời The Observer hôm 9/8 rằng số ca nhiễm giảm trong tháng qua ở nước này có thể có nghĩa là mức độ miễn dịch trong dân số đã đạt đến 20%, 30%, thậm chí có thể cao hơn một chút ở một số khu vực.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa có kết luận chắc chắn về khả năng miễn dịch với COVID-19. Những người bị nhiễm virus thường tạo ra kháng thể, có thể đo được bằng các xét nghiệm. Nhưng không rõ liệu có kháng thể mạng lại sự miễn dịch hoàn toàn, hoặc thậm chí một phần đối với COVID-19 hay tác dụng đó có thể kéo dài bao lâu. 

Các nghiên cứu đo độ miễn dịch trong dân số ở Thụy Điển không cao tới 20% hoặc 30% như được trích dẫn bởi ông Tegnell.

Trước đó, ông Tegnell cho biết ông dự kiến 40% người dân ở Stockholm, thủ đô Thụy Điển, sẽ có kháng thể chống virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng 5, nhưng theo nghiên cứu, tỉ lệ này thực tế chỉ đạt khoảng 15%.

Ông Tegnell giải thích rằng tỉ lệ miễn dịch khó có thể đo lường. "Rất khó để rút ra một ví dụ trong dân số bởi rõ ràng là mức độ miễn dịch khác biệt rất lớn giữa các nhóm tuổi khác nhau, giữa các khu vực khác nhau tại Stockholm... Đó là lí do vì sao chúng ta đo một nhóm được 4-5% và đo một nhóm khác lên đến 25%", nhà dịch tễ học Thụy Điển giải thích.

Theo tạp chí Forbes, một nghiên cứu mới được công bố bởi Tạp chí Hiệp hội Y học Hoàng gia hôm 11/8 cho rằng chiến lược tạo miễn dịch cộng đồng của Thụy Điển đã thất bại.

Thụy Điển trở thành quốc gia có tỉ lệ nhiễm COVID-19 và tử vong (trên một triệu dân số) cao hơn nhiều so với các nước láng giềng như Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy. Thời gian dịch bệnh tại nước này cũng kéo dài và liên tục. 

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng các bằng chứng mới cho thấy khả năng đạt miễn dịch cộng đồng thấp hơn kì vọng rất nhiều. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 nặng mới có kháng thể trong giai đoạn mới phục hồi. 

Thêm nữa, khả năng miễn dịch, ngay cả ở những người bị nhiễm nặng, có thể mất dần sau vài tuần và đã có những ví dụ điển hình về việc tái nhiễm. 

Về tiêu chí để đạt được miễn dịch cộng đồng cũng có nhiều ý kiến khác biệt. Phần lớn các chuyên gia cho rằng cần từ 40-80% dân số mắc bệnh để tạo được miễn dịch cộng đồng. Ngược lại, một số nhà nghiên cứu khẳng định chỉ cần 20% dân số mắc bệnh.

Điều này gần như có thể đạt được ngoại trừ một thực tế nhỏ là không ai muốn mình mắc bệnh. Và đó rất có thể là lí do tại sao mọi nỗ lực để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng đều sẽ thất bại.

Ở một diễn biến khác, theo Hindustantimes, trong cuộc khảo sát huyết thanh thực hiện hồi tháng 7 tại Ấn Độ, kết quả có đến 57% trong tổng số gần 7.000 mẫu máu thu được tại khu ổ chuột ở Mumbai và 16% trong các khu dân cư lân cận khác dương tính với virus SARS-CoV-2. 

Điều đáng chú ý là những bệnh nhân đó đã “âm thầm” hồi phục và sản sinh ra kháng thể. Những người có kết quả dương tính trong cả hai nhóm đều không biểu hiện triệu chứng.

Liệu có thể đạt miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 - Ảnh 1.

Một nhân viên y tế khám sàng lọc cho những người có triệu chứng COVID-19 tại Dharavi, một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á, ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: AP ).

Theo CNN, ông Jayaprakash Muliyil, chủ tịch Ủy ban Cố vấn Khoa học thuộc Viện Dịch tễ Quốc gia Ấn Độ tin rằng các khu ổ chuột tại Mumbai có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, một vài nhà khoa học khác đưa ra ý kiến cẩn trọng hơn. Ông David Dowdy, phó Giáo sư chuyên về dịch tễ tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng rất có thể các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phương thức kiểm tra cho kết quả dương tính giả.

Trong khi đó, ông Om Shrivastav, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Mumbai, cảnh báo rằng với thời gian chưa đầy 8 tháng kể từ khi dịch bệnh xuất hiện là vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kì "tuyên bố mang tính quyết định và kết luận" nào.

Bộ Y tế Ấn Độ tuyên bố còn lâu người dân nước này mới đạt đến “miễn dịch cộng đồng”. 

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, hàng trăm nghìn người sẽ phải mắc bệnh, nhập viện và nhiều người sẽ tử vong. Đó là lí do tại sao các cơ quan y tế của Ấn Độ cho biết họ không hướng tới phương án này.

Bên cạnh đó, cố vấn Y tế Nhà Trắng Anthony Fauci hôm 14/8 cũng cảnh báo rằng rất nhiều người Mỹ sẽ chết nếu nước này để mặc COVID-19 lây lan nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hồi tháng 7 cho thấy chỉ có 5% trong 61.000 người dân tham gia nghiên cứu có được miễn dịch chống SARS-CoV-2, một tỉ lệ không đủ để đạt được miễn dịch trong cộng đồng. 

Mặc dù Tây Ban Nha là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch thời điểm đó, với kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học cho rằng không thể có được miễn dịch cộng đồng chống lại virus SARS-CoV-2.

Như vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu những người sống sót và phục hồi sau COVID-19 có đạt được khả năng miễn dịch hay không, dù một số người vẫn cho rằng việc cho phép COVID-19 lây lan trong cộng đồng có thể giúp đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh hơn. 

Nhưng các nước sẽ phải trả giá đắt cho điều này. Các bệnh viện sẽ bị quá tải do số ca nhiễm liên tục tăng cao, và nhiều người sẽ tử vong hơn, không chỉ do COVID-19 mà còn vì các bệnh nhiễm trùng khác.

Như Ý