Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 5/9: Trung Quốc muốn tiêm thử vắc xin cho nhân viên hàng không, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã tiêm Sputnik V
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch COVID-19 ngày 6/9
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, sáng nay (5/9) không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy 12h trôi qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 1.049 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 43.154.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 786/1.049 ca mắc.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 19 cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 24 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV- là 52 ca, số ca âm tính lần 3 là 23 ca.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, hiện có 10 trường hợp có tiên lượng rất nặng và nguy kịch. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.
Việt Nam có số ca được chữa khỏi nhiều hơn hẳn số ca mắc mới ghi nhận thêm mỗi ngày.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ trang Worldometers, tính đến 7h sáng nay 5/9, toàn thế giới có tổng cộng 26,77 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 878.070 người tử vong và 18,87 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 70,4%). Số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày toàn cầu đang ở mức cao.
Đến nay, 215 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có hai tàu du lịch) trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 6,38 triệu ca nhiễm COVID-19, chiếm 23,85% số ca nhiễm toàn cầu, sau khi ghi nhận thêm 51.289 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 974 ca, nâng tổng số lên 192.032. Tổng số người phục hồi là hơn 3,63 triệu người (tỉ lệ phục hồi đạt 56,9%).
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm.
Các điểm nóng về COVID-19 ở Mỹ vẫn báo cáo số ca nhiễm mới cao, với 3.198 ca ở Florida, 5.151 ca ở Texas và 4.834 ca ở California. Một số bang khác cũng đang nổi lên như Georgia ghi nhận thêm 2.066 ca, Illinois 5.594 ca.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 45.651 và 855 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 4,09 triệu và 125.584 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 3,27 triệu, tỉ lệ phục hồi đạt 79,9%.
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại nước này vẫn đang ở mức cao.
Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 4,02 triệu ca nhiễm và 69.635 ca tử vong, tăng lần lượt 87.115 và 1.066 so với ngày hôm trước. Tỉ lệ phục hồi đạt 77,1% với tổng 3,1 triệu người đã khỏi bệnh.
Theo thống kê, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ đang tăng mạnh, và hôm nay là ngày thứ 3 liên tiếp nước này xác lập số ca mắc mới cao kỉ lục với 87.115 ca, vượt cả kỉ lục toàn cầu trước đó về mức tăng hàng ngày cao nhất. Ấn Độ đã vượt Mexico trở thành nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 3 trên thế giới chỉ xếp sau Mỹ, Brazil, sau khi ghi nhận thêm số ca tử vong trong 1 ngày qua cao nhất thế giới.
Các ca nhiễm đang gia tăng ở các thị trấn, làng mạc và thành phố nhỏ hơn, trong khi tình hình đã ổn định ở các đô thị lớn New Delhi và Mumbai, theo Reuters.
Tại các ngôi làng và thị trấn nhỏ, việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội gần như biến mất, thậm chí các cuộc tụ họp cộng đồng còn quay trở lại. Đây là lí do vì sao số ca nhiễm tại Ấn Độ trong thờ gian qua tăng nhanh hơn bất kì nước nào khác.
Trước tình hình này, Ấn có thể sớm vượt Brazil và trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới chỉ trong vài ngày nữa. Tỉ lệ tử vong tương đối thấp của Ấn Độ có thể tăng lên khi virus lây lan khắp vùng nông thôn rộng lớn, nơi các cơ sở y tế chỉ ở mức cơ bản nhất.
Bất chấp ca nhiễm gia tăng Ấn Độ đang nới lỏng dần các hạn chế do lo ngại suy thoái kinh tế. Nước này sẽ nối lại các chuyến tàu điện ngầm và cho phép các sự kiện tôn giáo, chính trị và các sự kiện khác với 100 người tham gia bắt đầu từ cuối tháng này.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận thêm 5.110 ca mắc và 121 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là hơn 1,01 triệu trường hợp, trong đó 17.649 trường hợp tử vong, và 832.747 người hồi phục (đạt 82,4%). Số ca nhiễm mới trong ngày của Nga đang chững lại ở mức 5.000 ca.
Các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo.
Quĩ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị tài trợ nghiên cứu vắc xin Sputnik V cho biết hôm 4/9, kết quả thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba được thực hiện với 40.000 người sẽ được công bố trong hai tháng tới, theo The Lancet.
Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 4/9 cho biết ông đã tiêm vắc xin Sputnik V, và thân nhiệt tăng một chút vào ngày đầu sau khi tiêm.
Peru là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 670.145 ca, trong đó có 29.405 ca tử vong, và 489.886 người hồi phục (73,1%).
Số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian qua sau khi xác lập kỉ lục hôm 16/8 với 10.143 ca nhiễm mới.
Colombia đã vượt Nam Phi trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 6 thế giới. Cụ thể, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 650.062 ca, trong đó, tổng số ca tử vong là 20.888 số ca bình phục là 498.221 (76,6%).
Theo thống kê, số ca nhiễm mới ghi nhận mỗi ngày tại nước này có xu hướng giảm sau khi đạt kỉ lục hôm 19/8 với 13.056 ca.
Mexico là nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ 8 thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh là 616.894 ca, trong đó có 66.329 ca tử vong - cao thứ 4 thế giới, và 430.287 người hồi phục (69,7%).
Số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày tại nước này đang có xu hướng giảm.
Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 25 ca nhiễm mới và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Hiện Trung Quốc có tổng cộng 85.102 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.263 (94,3%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 25 ca nhiễm mới (đều là ca ngoại nhập). Như vậy nước này trong 19 ngày qua đều không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
Trung Quốc đề nghị tiêm vắc xin COVID-19 thử nghiệm cho các nhân viên hàng không trên cơ sở tự nguyện, nhằm ngăn chặn những ca nhiễm nhập khẩu khi các nước phương Tây tái mở cửa bất chấp đại dịch, theo Reuters.
Trung Quốc hiện có 4 vắc xin COVID-19 trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người và đã tiến hành chương trình tiêm vắc xin khẩn cấp từ hồi tháng 7 với hi vọng tăng cường miễn dịch cho những nhóm có nguy cơ cao như các nhân viên giám sát biên giới hay các nhân viên y tế.