Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 10/3: Campuchia phát hiện ổ dịch phức tạp ở một tỉnh giáp Việt Nam
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 11/3
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (10/3) không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào.
Hôm nay, các điểm tiêm chủng ở Hải Dương, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM và BV Bệnh Nhiệt đới TW tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo kế hoạch, đồng thời mở rộng triển khai tiêm tại Hà Nội và tỉnh Gia Lai.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.585 ca do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 894 ca.
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đến hết ngày 9/3, đã có 522 người được tiêm vắc xin COVID-19. Báo cáo nhanh từ các địa điểm tiêm chủng đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm, đại đa số là phản ứng thông thường đã được khuyến cáo như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn…
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 45.091.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.004 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 48 ca; số ca âm tính lần hai là 42 ca, số ca âm tính lần ba là 118 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 118,13 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,62 triệu người tử vong và 93,82 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 79%).
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Châu Âu hiện vẫn đang là tâm dịch của thế giới khi số ca nhiễm mới có giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 29,79 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 52.872 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.534 ca, nâng tổng số lên 540.407. Tổng số người phục hồi là hơn 20,54 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 68%). Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Mỹ đang tiếp tục giảm.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,26 triệu ca nhiễm và 158.079 ca tử vong, tăng lần lượt 16.846 và 113 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,91 triệu người đã khỏi bệnh.
Số ca nhiễm mới đang gia tăng tại một số bang nước này. Tuy nhiên, theo tỷ lệ dân số, số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ được xếp vào hàng thấp nhất trên thế giới.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 69.537 và 1.954 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,12 triệu và 268.568 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 9,84 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.
Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì đại dịch đang tăng cao chưa từng thấy tại nước này trong vài ngày qua.
New York Times đưa tin, diễn biến dịch COVID-19 ở Brazil đang ở mức nghiêm trọng nhất thế giới. Sau một năm chìm trong đại dịch, nước này vẫn đang lập tiếp những kỷ lục đau lòng trong khi các quốc gia khác đã dần kiểm soát được tình hình. Biến thể mới đã hoành hành thành phố Manaus và lan ra các thành phố khác.
Trong vòng vài tuần, mối nguy hiểm của P.1 đã trở nên rõ ràng khi các bệnh viện thành phố Manaus hết oxy do quá nhiều bệnh nhân, dẫn tới tình trạng bệnh nhân ngạt thở tới chết.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.445 ca mắc (thấp nhất trong 5 tháng qua) và 336 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,34 triệu trường hợp, trong đó 89.809 trường hợp tử vong, và hơn 3,93 triệu người hồi phục (đạt 90%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Nga đang yêu cầu Cơ quan Dược phẩm Châu Âu xin lỗi công khai vì đã so sánh vắc xin Sputnik V với "trò cò quay của Nga (Russian roulette)". Cơ quan này đã đưa ra nhận đinh sai lầm hôm thứ hai khi khuyên các thành viên EU từ chối việc cấp phép sử dụng khẩn cấp Sputnik V.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 22 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.002 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.186 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung Quốc đã triển khai hộ chiếu vắc xin, một chứng nhận kỹ thuật số, hiển thị tình trạng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm COVID-19, cho công dân qua nền tảng mạng xã hội WeChat, từ hôm 8/3, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong và ngoài Trung Quốc, cũng như sử dụng phương tiện giao thông và nhiều không gian công cộng ở nước này.
Bên cạnh hình thức kỹ thuật số, chứng nhận này cũng được cấp dạng giấy và được xem là hộ chiếc vắc xin đầu tiên trên thế giới, theo AFP.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 446 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 93.263 ca, trong đó có 1.645 trường hợp tử vong, và 83.900 người đã hồi phục (90%).
Ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại lên mức 400 trong 24 giờ qua, theo Yonhap.
Cho đến nay, tổng cộng 383.346 người đã được tiêm chủng với vắc xin của AstraZeneca (377.138 người), và vắc xin của Pfizer (6.208 người). Số người báo cáo các tác dụng phụ sau khi tiêm thuốc là 4.851 người, phần lớn là các triệu chứng thông thường và nhẹ, trong khi có 10 trường hợp nghi ngờ sốc phản vệ.
Hai người nữa đã chết sau khi tiêm vắc xin, nâng tổng số lên 13. Tuy nhiên, một nhóm chuyên gia đã kết luận sơ bộ hôm thứ hai rằng 8 trong số những trường hợp tử vong không liên quan đến việc tiêm vắc xin, số còn lại đang được điều tra.
Nước này có thêm ba người chết sau khi tiêm vắc xin, nâng tổng số lên 11 người. Đối với 8 trường hợp tử vong trước đó, một nhóm các chuyên gia y tế kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa cái chết của họ với việc tiêm chủng.
Nhật Bản thông báo gần 400 trường hợp đã bị nhiễm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây nguy cơ tái nhiễm cao hơn và có khả năng kháng các loại vắc xin hiện hành. Ca nhiêm mới tại nước này đã giảm nhưng con số vẫn ở mức 1.000 ca trong hơn hai tuần qua, theo TTXVN.
Campuchia đang đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát vượt ngoài tầm kiểm soát sau khi ghi nhận 49 ca nhiễm mới trong một ngày qua, mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Cùng với thủ đô Phnom Penh, thành phố Sihanoukville được đánh giá là “ổ dịch” lớn thứ hai tại Campuchia với hàng loạt ca lây nhiễm liên quan tới “Sự cố cộng đồng ngày 20/2”, tiếp sau là các tỉnh Prey Veng và Kandal.
Prey Veng tỉnh giáp biên giới với Việt Nam cũng được ghi nhận là “ổ dịch” phức tạp với hàng loạt sòng bạc và khu giải trí tại đây bị phong tỏa và đóng cửa. Tổng cộng đã có 12 trường hợp lây nhiễm COVID-19 tại khu vực này.
Theo Thủ tướng Hun Sen, đây là thời điểm "sóng gió" do có cảnh sát, nhân viên nhà nước và nghệ sĩ bị mắc COVID-19. Do đó, việc đóng cửa tạm thời các cơ quan và duy trì 10% số nhân viên làm việc là cần thiết. Thủ tướng Hun Sen cũng nhắc lại khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết và tránh tụ tập đông người.