Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 11/3: Ca bệnh mới tại Hàn Quốc cao kỷ lục trong gần 3 tuần
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 12/3
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (11/3) không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào.
Hôm nay, các điểm tiêm chủng ở Hải Dương, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM và BV Bệnh Nhiệt đới TW tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo kế hoạch, đồng thời mở rộng triển khai tiêm tại Hà Nội và tỉnh Gia Lai.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.585 ca do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 895 ca.
10 tỉnh, thành phố đã qua 26 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP HCM.
Hà Nội, đã 23 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng. Hải Phòng (16 ngày).
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 44.540.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.004 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 48 ca; số ca âm tính lần hai là 42 ca, số ca âm tính lần ba là 118 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 118,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,63 triệu người tử vong và 94,22 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 79%). Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, nhất là tại châu Âu.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
CNN dẫn lời Liên minh vắc xin Nhân dân cho biết, tại các nước giàu, cứ mỗi giây lại có một người được tiêm vắc xin COVID-19. Trong khi, hầu hết nước nghèo lại chưa có liều nào.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 29,8 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 55.882 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.425 ca, nâng tổng số lên 542.006. Tổng số người phục hồi là hơn 20,63 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 69%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ đều có xu hướng giảm.
Nhiều khu vực tại Mỹ đã mở cửa lại trường học dù số ca nhiễm mới vẫn đang ở mức cao. Hàng trăm nghìn trẻ em tại thành phố Los Angeles, bang California có thể quay trở lại trường học từ tháng 4, sau gần 1 năm học trực tuyến, theo TTXVN.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,28 triệu ca nhiễm và 158.213 ca tử vong, tăng lần lượt 22.841 và 134 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,93 triệu người đã khỏi bệnh.
Số ca nhiễm mới đang tăng dần trở lại tại một số bang nước này, trong đó có thủ đô New Delhi.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 80.955 và 2.349 ca (mức tăng cao kỷ lục) trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,2 triệu và 270.917 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 9,91 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.
Nước này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới khi số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trên cả nước tăng cao, khiến hệ thống y tế quá tải. Có tới 25/27 thành phố thủ phủ của Brazil đang chứng kiến tình trạng thảm họa y tế khi số giường điều trị bệnh nhân nguy kịch luôn chiếm tới hơn 80%. Hiện các chính quyền địa phương phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, theo TTXVN.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.079 ca mắc (thấp nhất trong 5 tháng qua) và 466 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,35 triệu trường hợp, trong đó 90.275 trường hợp tử vong, và hơn 3,94 triệu người hồi phục (đạt 90%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Nước này đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vào giữa tháng 1 và dự báo đạt khả năng miễn dịch cộng đồng vào đầu tháng 8 với 60% dân số được tiêm vắc xin, theo The Moscow Times.
AP đưa tin, hệ thống y tế Italy đang gặp sức ép khi các biến chủng nCoV mới tiếp tục lây lan, trong khi nước này mới chỉ có 2,85% dân số được chủng ngừa. Các ca nhiễm mới và tử vong vì đại dịch tại đây đang tăng trở lại trong hơn một tuần qua.
Phòng Thương mại Italy - Nga hôm 9/3 cho biết thỏa thuận sản xuất Sputnik V đầu tiên tại Liên minh châu Âu (EU) đã được ký giữa Adienne, chi nhánh tại Italy của một hãng dược phẩm Thụy Sĩ, và Kirill Dmitriev, CEO Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF). Hoạt động sản xuất dự kiến bắt đầu từ tháng 7 với 10 triệu liều vắc xin sẽ được tung ra trong năm nay.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 23 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.007 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.194 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 470 ca mắc mới (cao nhất trong 19 ngày), nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 93.733 ca, trong đó có 1.648 trường hợp tử vong, và 84.312 người đã hồi phục (90%).
Ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại lên mức 400 trong ngày thứ hai liên tiếp, khi các ca nhiễm theo cụm tiếp tục gia tăng trên khắp đất nước, theo Yonhap.
Cho đến nay, tổng cộng 383.346 người đã được tiêm chủng với vắc xin của AstraZeneca (377.138 người), và vắc xin của Pfizer (6.208 người). Số người báo cáo các tác dụng phụ sau khi tiêm thuốc là 4.851 người, phần lớn là các triệu chứng thông thường và nhẹ, trong khi có 10 trường hợp nghi ngờ sốc phản vệ.
Cho đến nay, số người chết sau khi nhận các mũi tiêm vắc xin đã lên đến 15 người, mặc dù mối tương quan giữa vắc xin với sự cố vẫn chưa được chứng minh.