Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 12/3: Nhiều nước châu Âu đình chỉ vắc xin AstraZeneca
Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam
Xem thêm: Cập nhật dịch COVID-19 hôm nay 13/3
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (12/3) có thêm hai ca mắc mới COVID-19 ghi nhận tại Hải Dương, tất cả đều đã được cách ly trước đó.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 1.590 ca do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 897 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 44.540.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.048 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 70 ca; số ca âm tính lần hai là 44 ca, số ca âm tính lần ba là 100 ca.
Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới
Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 119 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,64 triệu người tử vong và 94,71 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 79%). Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, nhất là tại châu Âu.
Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 29,92 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 58.724 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 1.387 ca, nâng tổng số lên 543.580. Tổng số người phục hồi là hơn 20,71 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 69%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.
Tổng thống Joe Biden hôm qua tuyên bố Mỹ sẽ ưu tiên vắc xin COVID-19 cho người dân trong nước, và sẵn sàng chia sẻ số vắc xin dư thừa cho thế giới.
Alaska trở thành nơi đầu tiên ở Mỹ cung cấp vắc xin COVID-19 cho cư dân từ 16 tuổi trở lên, trong khi nhiều bang dần mở cửa trở lại, theo Reuters.
Ấn Độ là nước đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,3 triệu ca nhiễm và 158.326 ca tử vong, tăng lần lượt 21.668 và 113 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 10,94 triệu người đã khỏi bệnh.
Số ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại từ tháng 2 tại một số bang nước này, trong đó có thủ đô New Delhi.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và là ổ dịch lớn thứ ba trên thế giới. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 78.297 và 2.207 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 11,28 triệu và 273.124 người. Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 9,95 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 89%.
Nước này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới khi số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trên cả nước tăng cao, khiến hệ thống y tế quá tải.
Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 9.270 ca mắc (thấp nhất trong 5 tháng qua) và 459 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,36 triệu trường hợp, trong đó 90.734 trường hợp tử vong, và hơn 3,95 triệu người hồi phục (đạt 90%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang giảm dần, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.
Anh khẳng định vắc xin COVID-19 của AstraZeneca "an toàn và hiệu quả" trong bối cảnh Đan Mạch cùng nhiều nước khác đình chỉ loại thuốc này, theo AFP.
"Trên thực tế, mọi người đang bắt đầu thấy kết quả của chương trình tiêm chủng khi chứng kiến số ca nhiễm thấp hơn trên toàn quốc, cũng như số trường hợp tử vong và nhập viện", Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.
Đan Mạch ghi nhận các ca đông máu nghiêm trọng ở những người được tiêm vắc xin của AstraZeneca. Mặc dù chưa xác định được mối liên hệ giữa vắc xin và tình trạng bị đông máu, nước này vẫn quyết định tạm ngừng sử dụng vắc xin này trong 14 ngày theo nguyên tắc phòng ngừa
Hôm 8/3, Áo cũng đình chỉ sử dụng một lô vắc xin AstraZeneca, sau khi một y tá 49 tuổi tử vong vì các vấn đề đông máu nghiêm trọng, sau vài ngày tiêm chủng. 4 quốc gia châu Âu khác, gồm Estonia, Latvia, Lithuania và Luxemburg, cũng ngừng sử dụng vắc xin từ lô này.
Vắc xin AstraZeneca đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường ở hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Anh và Liên minh châu Âu (EU).
The Guardian đưa tin, trước diễn biến này, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cho biết vắc xin Oxford/AstraZeneca có thể tiếp tục được sử dụng. Cho đến nay, 30 trường hợp gặp sự cố đông máu đã được báo cáo trong tổng số 5 triệu người đã được chủng ngừa ở châu Âu, EMA khẳng định "Lợi ích của vắc xin này mang lại tiếp tục lớn hơn rủi ro.".
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy nước này đã trải qua 24 ngày không ghi nhận ca bệnh mới trong cộng đồng.
Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.018 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.201 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 465 ca mắc mới (cao nhất trong 19 ngày), nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 94.198 ca, trong đó có 1.652 trường hợp tử vong, và 84.675 người đã hồi phục (90%).
Ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng trở lại lên mức 400 trong ngày thứ ba liên tiếp, khi các ca nhiễm theo cụm và trường hợp không xác định được nguồn lây nhiễm, tiếp tục gia tăng trên khắp đất nước, theo Yonhap.
Nước này đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại (sẽ kết thúc vào 14/3) thêm hai tuần nữa, với khu vực Seoul, nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số 52 triệu dân, sẽ vẫn ở các quy định giãn cách Cấp độ 2 và các khu vực còn lại sẽ áp dụng Cấp độ 1,5.
Các lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên và các hạn chế đối với các doanh nghiệp nhỏ, chẳng hạn như nhà hàng và quán cà phê, cũng sẽ được áp dụng thêm hai tuần nữa.
Campuchia hôm qua đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19, người này là tài xế cho một công dân Trung Quốc sống ở thành phố cảng Sihanoukville, cũng được xác nhận đã nhiễm bệnh, theo Reuters.
Campuchia là một trong số ít quốc gia không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch ở châu Á với hơn 1.000 ca bệnh được ghi nhận cho đến nay. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới đã tăng nhanh kể từ ngày 20/2. Nước này đã khởi động chiến dịch tiêm chủng COVID-19 vào tháng 2.