|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các nữ tướng hiến kế vực dậy nền kinh tế Việt Nam hậu COVID-19

14:25 | 08/03/2021
Chia sẻ
Trong buổi "Đối thoại 2045" với người đứng đầu chính phủ diễn ra chiều 6/3 tại TP HCM, nhiều nữ doanh nhân là chủ các doanh nghiệp lớn như Vietjet Air, TH, cơ điện REE,… đã đưa ra những ý kiến xây dựng nhằm vực dậy kinh tế Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19.

Đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế

Tại buổi Đối thoại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank hiến kế hiến kế đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, chăm sóc sứs khỏe, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách.

"Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới", bà Thảo nói.

Các nữ tướng hiến kế vực dậy nền kinh tế Việt Nam hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank. (Ảnh: VGP).

Về phía Vietjet Air, bà Thảo cho biết doanh nghiệp đang xây dựng đầu tư Học viện Hàng không Vietjet, là học viện hiện đại bậc nhất trong khu vực, ngay trong khu công nghệ cao quận 9, TP HCM.

Bên cạnh hiến kế cho chính phủ, với cương vị là người đứng đầu Vietjet Air, cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ được kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau.

"Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp", bà Thảo chia sẻ.

Việt Nam cần phát triển sản phẩm tốt cho sức khoẻ

Theo bà Thái Hương, Chủ tịch TH Group, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành và nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe,

Do đó, bà Thái Hương đề nghị Việt Nam cần phải có một ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.

Các nữ tướng hiến kế vực dậy nền kinh tế Việt Nam hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Bà Thái Hương, Chủ tịch TH Group. (Ảnh: VGP).

"Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử", Chủ tịch TH Group nói thêm.

Trong buổi đối thoại, bà Thái Hương cũng kiến nghị chính phủ đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.

Phát triển kinh tế bền vững, đi đôi bảo vệ môi trường

Bà Nguyễn Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện REE cho rằng qua đại dịch COVID-19, qua những tổn thất từ biến đổi khí hậu, đã đến lúc chúng ta cần chú trọng vào bảo vệ môi trường.

Chủ tịch Công ty Cơ điện REE lưu ý, nguồn tài nguyên của chúng ta đang cạn kiệt dần, cụ thể là vấn đề năng lượng. Điện đang thiếu dần. Trong 3 năm vừa qua, chúng ta đã phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, về công nghệ viễn thông. Tuy nhiên cần nhìn lại việc xây dựng chiến lược phát triển. Than, dầu mỏ đang ngày một cạn dần. Do đó, cần chú trọng vào điện gió ngoài khơi để đạt năng suất cao và giảm ô nhiễm môi trường.

Các nữ tướng hiến kế vực dậy nền kinh tế Việt Nam hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện REE. (Ảnh: VGP).

"Muốn phát triển bền vững, Việt Nam nên đặt mục tiêu cao hơn và không nên bằng lòng với những gì mình đạt được. Cũng như với mỗi con người, mỗi doanh nghiệp phải luôn tự tin để đặt ra những khát vọng cao hơn", bà Mai Thanh chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Mai Thanh đề xuất chính phủ khi xây dựng các chỉ số kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2045, cần xây dựng nhiều hơn các chỉ số có tính hạnh phúc chứ không chỉ là những chỉ số về con số kinh tế.

Xây dựng các thương hiệu quốc gia

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Ngân hàng SEABANK, tin tưởng Việt Nam sẽ nằm trong top những nền kinh tế lớn nhất khu vực. Sẽ có những doanh nghiệp của Việt Nam, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân, nằm trong danh sách những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Các nữ tướng hiến kế vực dậy nền kinh tế Việt Nam hậu COVID-19 - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG. (Ảnh: VGP).

Bà Nga đánh giá, dưới góc độ kinh tế, trong vai trò của một doanh nghiệp tư nhân đa ngành lớn của Việt Nam với lịch sử hơn 30 năm phát triển, cộng đồng kinh tế tư nhân đang có một môi trường kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay.

Nhờ tinh thần kiến tạo, một mô hình điều hành đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững đã được hình thành. Và kết quả là đã có những doanh nghiệp tư nhân Việt đã thực sự vươn tầm, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam ngày một rạng danh trên trường quốc tế.

"Việt Nam sẽ tự hào khi có những tên tuổi và thương hiệu mạnh làm rạng danh đất nước, đồng thời xây dựng một đất nước kiến tạo cho nhiều thế hệ người Việt sau này viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc", bà Nguyễn Thị Nga bày tỏ.

Thiên Trường