Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư tháp tài chính 108 tầng, tổng vốn 1 tỷ USD
Thông tin tại Hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết dự án tháp trung tâm tài chính nằm ở phía bắc sông Hồng được phê duyệt chủ trương đầu tư với số vốn dự kiến khoảng 1 tỷ USD. Đây là công trình nằm trong khu đô thị thông minh phía bắc sông Hồng.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết đến nay, thành phố đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. Cụ thể, đã hoàn thành 3 Trung tâm thương mại: Vin Ocean Park tại huyện Gia Lâm, Vinsmart City tại quận Nam Từ Liêm, Lotte Mall tại Tây Hồ.
Hà Nội cũng đã hoàn thành chỉ tiêu với 4 không gian, tuyến phố đi bộ: Khu đô thị Nam đường vành đai 3 - Bitexco; Không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; Không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang; Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã.
Ban Chỉ đạo đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành: Khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; tiếp tục triển khai Đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến đến cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành 15/19 chỉ tiêu.
Về chỉ tiêu triển khai đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, ông Tuấn cho biết đã cơ bản hoàn thành khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ (Nam Từ Liêm); phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và đang điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phố thông minh; đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án khu đô thị Đông Anh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả, một số dự án chỉnh trang được hoàn thiện tạo bộ mặt đô thị như: Nhà hát Hồ Gươm, tuyến phố Trần Nhân Tông, biệt thự tại Trần Hưng Đạo,… đồng thời đẩy nhanh các dự án xử lý nước thải; xây dựng đồng bộ về cơ chế chính sách để triển khai thực hiện chương trình”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định.
Đồng tình với những tồn tại, hạn chế được chỉ ra tại hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phải đánh giá thật kỹ, sát hơn, nhìn nhận rõ từng tồn tại, tiến độ chậm của từng dự án, công trình. Các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là những chỉ tiêu còn khó khăn để quyết liệt thực hiện.
Trong đó tập trung các nhiệm vụ như: Hạ ngầm đường dây điện trên các tuyến phố; chỉnh trang đô thị; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị; xử lý nước thải; xây dựng chợ, outlet; cải tạo chung cư cũ…