|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội quy hoạch sông Hồng là trục xanh, xây dựng 18 cầu vượt sông

14:32 | 09/01/2024
Chia sẻ
Theo GS. TS Hoàng Văn Cường đại diện đơn vị tư vấn quy hoạch, TP Hà Nội xác định có 18 cầu vượt sông Hồng gồm 6 cầu đang khai thác, 3 cầu đang thực hiện đầu tư, 9 cầu chưa được đầu tư.

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức sáng 9/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển dự án trên 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.

Về quan điểm phát triển, Hà Nội tập trung vào các yếu tố “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; phát triển đô thị xanh; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: MPI).

Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; hai mục tiêu về đô thị và nông thôn và một mục tiêu về quốc phòng, an ninh.

Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...

Theo GS - TS Hoàng Văn Cường,Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, về phương án phát triển mạng lưới giao thông, Quy hoạch Thủ đô xác định có 13 tuyến đường bộ cao tốc; 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 168 km; 38 tuyến đường tỉnh với 390 km.

Quy hoạch cũng định hướng phát triển tổng 14 bến xe khách, hiện đã có 6 bến đang khai thác; 8 bến xe tải, hiện đã có 1 bến khai thác. Đối với cầu vượt sông, quy hoạch xác định có 18 cầu vượt sông Hồng (6 cầu đang khai thác, 3 cầu đang thực hiện đầu tư, 9 cầu chưa được đầu tư), sông Đuống có 4 cầu đã được hình thành.

Với hệ thống đường sắt, quy hoạch định hướng phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị, 2 tuyến tàu điện một ray (Monorail) và 4 tuyến đường sắt quốc gia kết nối.

Liên quan đến các hạ tầng giao thông, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 diễn ra sáng nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và dự án thành phần ba dự án đường cao tốc - theo hình thức đầu tư PPP.

Cụ thể, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã phê duyệt 07/07 dự án thành phần; khởi công 06/07 dự án thành phần trên của ba tỉnh, thành phố còn ba dự án cao tốc khác hiện đã phê duyệt dự án và đang khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường sắt đô thị số 3.1 để hoàn thành đoạn trên cao vào quý II/2024, vận hành toàn tuyến vào năm 2027. Khởi công các dự án quan trọng của Thành phố (như Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; Xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường Vành đai 3).

Hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. 

Hạ An