|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những người phụ nữ quyền lực của Tập đoàn Nam Cường

12:08 | 08/03/2021
Chia sẻ
Hơn 10 năm kể từ ngày cố Chủ tịch Trần Văn Cường qua đời, bà Lê Thị Thúy Ngà cùng con gái đã dẫn dắt Tập đoàn Nam Cường phát triển và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường bất động sản.
Những người phụ nữ quyền lực của nhà Nam Cường - Ảnh 1.

Khu đô thị Dương Nội của Nam Cường. (Ảnh: Hoàng Huy).

Năm 2008, dự án Khu đô thị (KĐT) Dương Nội được khởi công trên diện tích gần 200 ha, nằm trên đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài) - một trong những trục đường huyết mạch của Thủ đô.

Dù không phải là những dự án lớn nhất, song đây lại là hai trong số ít các công trình mở ra những cơ hội phát triển hạ tầng của khu Tây Hà Nội lúc bấy giờ. 

Chủ nhân của KĐT hơn 7.000 tỷ đồng này, đồng thời tham gia đầu tư xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài, là CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (nay là Công ty TNHH Bất động sản Nam Cường - Nam Cường Group).

Hành trình 37 năm thăng trầm của Nam Cường

Những người phụ nữ quyền lực của nhà Nam Cường - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Cường và bà Lê Thị Thúy Ngà những ngày đầu khởi nghiệp tại Hải Phòng. (Ảnh: Nam Cường).

Tập đoàn Nam Cường tiền thân là Tổ hợp dịch vụ vận tải Xuân Thủy, được thành lập năm 1984 bởi ông Trần Văn Cường, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải thủy nội địa các mặt hàng phân bón, xi măng, sắt thép phục vụ cho nhu cầu các tỉnh miền Bắc – Việt Nam. 

Sau khi tăng vốn điều lệ lên thành 595 tỷ đồng vào năm 1998, Nam Cường dưới sự dẫn dắt của ông Trần Văn Cường đã tập trung phát triển các lĩnh vực quy hoạch đô thị, đầu tư phát triển bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng, tham gia đầu tư hàng loạt KĐT tại Hà Nội, TP Hải Dương và TP Nam Định. 

Năm 2007, Tập đoàn Nam Cường ra đời. Một năm sau đó, vốn điều lệ Nam Cường đạt mức 16.006 tỷ đồng.

Năm 2008, Nam Cường khởi công dự án đường Lê Văn Lương kéo dài với tổng chiều dài 7,7 km, nối liền cửa ngõ phía Tây với trung tâm Hà Nội. 

Năm 2010 đánh dấu một nốt trầm trong quá trình phát triển của Nam Cường, khi Chủ tịch Trần Văn Cường qua đời. Vợ của ông Cường là bà Lê Thị Thúy Ngà, đã thay mặt chồng tổ chức khánh thành dự án đường Lê Văn Lương kéo dài.

Cũng chính từ thời điểm đó, Nam Cường bước vào một giai đoạn mới, dưới sự tiếp quản và lãnh đạo của Chủ tịch đương nhiệm Lê Thị Thúy Ngà. 

Những người phụ nữ quyền lực của nhà Nam Cường - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Thúy Ngà và con gái Trần Thị Quỳnh Ngọc. (Ảnh: Nam Cường).

Là Chủ tịch HĐQT của một tập đoàn lớn, song bà Ngà lại là một người khá kín tiếng, hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Một số thông tin ít ỏi cho thấy, Chủ tịch Nam Cường sinh ra tại Hải Phòng, sát cánh cùng ông Trần Văn Cường từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Cùng với đó, con gái của ông Cường và bà Ngà là Trần Thị Quỳnh Ngọc cũng bắt đầu tham gia vào các hoạt động kinh doanh của gia đình từ năm 2010. 

Nói thêm về ái nữ nhà Nam Cường, một số thông tin cho biết, bà Ngọc sinh năm 1990, tốt nghiệp chuyên ngành Địa lý Kinh tế tại Anh. 

Tháng 1/2013, bà Ngọc với vai trò trưởng ban biên tập, đã cho ra mắt tập san nội bộ số đầu tiên, ghi lại những câu chuyện về ông Cường, về các cán bộ, nhân viên và những điểm nhấn trong hoạt động của Nam Cường.

Năm 2014, bà Ngọc trở thành Phó Chủ tịch HĐQT của Nam Cường. Tại lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 12/2016, Nam Cường có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng. Trong đó, bà Ngà sở hữu đến 94% (2.115 tỷ đồng) và bà Ngọc nắm 3% (67,5 tỷ đồng).

Tháng 4/2014, doanh nghiệp của bà Ngà lọt top 20 gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam, theo Forbes Việt Nam. Cũng trong năm này, bà Ngà được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng".

Cơ ngơi bất động sản của Nam Cường

Những người phụ nữ quyền lực của nhà Nam Cường - Ảnh 4.

Công viên Thiên văn học nằm trong KĐT Dương Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, hệ thống bất động sản Nam Cường của bà Ngà đã được thành hình với sự ra đời và phát triển đa dạng về các loại hình nhà ở, khu du lịch nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh, thành khác nhau như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Phú Quốc hay Hải Phòng.

Tại Hà Nội, bên cạnh KĐT Dương Nội, Nam Cường còn sở hữu các dự án lớn gồm KĐT Cổ Nhuế (17,6 ha, quận Bắc Từ Liêm) và KĐT Phùng Khoang (46 ha, quận Nam Từ Liêm) với hàng nghìn căn hộ chung cư.

Tại Nam Định, Nam Cường đầu tư ba dự án, gồm KĐT Hòa Vượng (55,4 ha); KĐT Thống Nhất (63,9 ha) và KĐT Mỹ Trung (152,9 ha). Tất cả các dự án đều đã hoàn thành và bàn giao.

Tại Hải Dương, doanh nghiệp cũng đã triển khai hai dự án lớn, bao gồm Khu văn hóa thể thao - đô thị mới phía Đông TP Hải Dương (108 ha) và Khu thương mại - du lịch - đô thị phía Tây TP Hải Dương (595 ha).

Trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, năm 1998, doanh nghiệp khai trương dự án đầu tay là khách sạn Tray, đến năm 2009 được đổi tên thành Khách sạn Nam Cường Hải Phòng. Tại Hải Dương, năm 2005, khách sạn Nam Cường Hải Dương cũng đi vào hoạt động, với tòa nhà cao 25 tầng, tọa lạc ngay cửa ngõ thành phố.

Ngoài ra, hệ thống khách sạn của Nam Cường còn có thêm các khách sạn như Nam Cường Đồ Sơn hay Nam Cường Nam Định,...

Tại Phú Quốc, vào năm 2012, UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu tổ hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp Phú Quốc - Nam Cường. Dự án này có diện tích hơn 32,32 ha với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng, bao gồm khách sạn, khu vui chơi giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế.

Từ năm 2016 đến nay, Nam Cường cũng cho ra mắt thêm một số dự án đáng chú ý như Tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp Anland (Anland Complex); biệt thự thương mại An Phú Shop - Villa hay Công viên Thiên văn học ngoài trời;...

Công viên Thiên văn học ngoài trời đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được khởi công vào tháng 7/2017 tại KĐT Dương Nội, với tổng diện tích là 12 ha, trong đó diện tích mặt nước là 6 ha. Dự án nằm ở nút giao giữa đường Ngô Thì Nhậm kéo dài và Lê Quang Đạo kéo dài. 

Hoàng Huy