|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Người phụ nữ quyền lực của nhà Sơn Kim

07:25 | 20/10/2020
Chia sẻ
Ở tuổi thất thập, bà Nguyễn Thị Sơn, nhà sáng lập SonKim Group đã có một cuộc sống khá giản dị với sự nghiệp giáo dục và dõi theo 5 sự nghiệp của 5 người con.

Tiên phong cho thời trang may mặc Legamex với thương hiệu Lega-fashion

Trước khi có SonKim Group, tên tuổi của bà Nguyễn Thị Sơn gắn liền với Legamex (CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu Legamex), một trong những doanh nghiệp Nhà nước tiên phong cổ phần hóa.

Ở thời kì đỉnh cao vào thập niên 90, Legamex dưới sự quản lí và điều hành của bà Sơn có 4.000 nhân viên chính thức, giải quyết được việc làm cho khoảng 10.000 nhân viên ở các công ty vệ tinh.

Thương hiệu Lega-fashion xuất hiện ngày càng nhiều trên thương trường, xuất khẩu qua các nước Liên Xô, Ba Lan,… và Legamex trở thành công ty may mặc lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Bà Sơn từng chia sẻ, "chuyện cổ phần hóa Legamex như một 'cái răng gãy' trong nhiều chuỗi sự kiện. Nó giống như cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa tư tưởng muốn làm và tư tưởng sợ hãi.

Bà ví von: "Như những gia đình dọn nhà mới, người chồng muốn bán đồ đạc cũ để mua đồ mới cho đẹp và đồng bộ. Còn người vợ tiếc những món đồ cũ, không muốn bán vì nhiều lí do nên chỉ mua thêm cái mới. Kết quả là phòng khách nửa cũ, nửa mới, lạc điệu…"

Sau những biến cố liên quan đến việc cổ phần hóa Legamex, bà Sơn trở về với sự nghiệp kinh doanh gia đình, sống theo bản ngã của người kinh doanh truyền thống và tham gia vào mảng giáo dục.

Bởi lẽ theo bà, "cuộc sống ở thời kì chiến tranh đã quá gian nan nhưng bản năng sinh tồn của tôi vẫn rất lớn, cho nên trong cả cuộc đời, tôi cứ ngã rồi lại đứng lên, tiếp tục đi".

Năm 1998, bà công tác tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lí Doanh nghiệp (CBAM) thuộc VCCI.

Sau khi tham gia Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam (VLA), bà Sơn được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lí và Kinh doanh quốc tế vào năm 2006.

Kiềng 4 chân của SonKim Group, từ thời trang đến bất động sản, bán lẻ

Rời Legamex, bà Sơn tiếp tục sự nghiệp kinh doanh cùng SonKim Group. Câu chuyện về SonKim Group khởi nguồn từ những năm 1950 dưới sự thành lập của Đại Thành, tập đoàn dệt may nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam được lưu truyền qua ba thế hệ nhà họ Nguyễn.

Nhờ nền tảng kinh doanh từ những thế hệ đi trước, thế hệ thứ ba của nhà họ Nguyễn đã thành lập SonKim Group vào năm 1993, sau khi ông Nguyễn Hoàng Tuấn, con trai bà Nguyễn Thị Sơn du học về nước.

Cùng năm này, SonKim Fashion cũng ra đời, xây dựng thương hiệu Vera và tiến sang các thị trường Ý, Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha.

Người phụ nữ quyền lực của nhà Sơn Kim - Ảnh 2.

Tại hội thảo Quản trị doanh nghiệp gia đình Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 10/2018, bà Sơn chia sẻ: "Tôi xuất thân từ một gia tộc có truyền thống kinh doanh ngành vải sợi.

Bố mẹ tôi là người Bắc Ninh, từng sống ở Hà Nội và di cư vào miền Nam năm 1954. Khi ở Hà Nội, mẹ tôi có một tiệm bán vải lụa. Từ những kinh nghiệm, mẹ tôi đã truyền lại cho chị em tôi và sau này các con tôi, chủ những thương hiệu may mặc uy tín ở Việt Nam".

Khởi đầu từ một công ty thời trang, SonKim Group đã nhanh chóng phát triển đa ngành nghề xoay quanh 4 vệ tinh: SonKim Land (bất động sản), SonKim Mode (thời trang), VGS Shop (bán lẻ trên truyền hình) và Vissions 21 (Khai thác phim trường).

Bộ sưu tập thương hiệu của gia tộc Sơn Kim ngày càng đa dạng: Các chung cư cao cấp Gateway, Nassim, Serenity Sky Villas, Metropolitan (bất động sản); VERA, JOCKEY, WOW (thời trang); GS25, GSSHOP, Jardin Des Sens, Mama Sens, KYO WATAMI (bán lẻ),…

Bà Sơn từng chia sẻ: "Để có thương hiệu trăm năm, các doanh nghiệp lớn không nên thay đổi thương hiệu và không nên ‘tân quan, tân chính sách’, nhất là những thương hiệu đã có tiếng tăm.

Tôi thấy cái dở hơi của nhiều doanh nghiệp là khi thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp thì thay đổi cả tên công ty".

Người phụ nữ quyền lực của nhà Sơn Kim - Ảnh 3.

Vì quan điểm khá cởi mở này mà 5 người con của bà không bị bó buộc theo sự nghiệp của gia đình, thay vào đó 5 người là 5 sự nghiệp riêng: Bà Hồng Vân, con gái đầu cùng chồng Hồ Nhân, điều hành công ty dược phẩm Nanogen - Bio; ông Hoàng Tuấn, người con thứ hai, Chủ tịch HĐQT Sơn Kim Group và Sơn Kim Land; ông Hoàng Anh, người con thứ ba, chủ công ty sản xuất trà - cà phê Golden Mountain; bà Hồng Trang, người con thứ 4, CEO Sơn Kim Mode, GS25 Việt Nam; ông Hoàng Lâm, con trai út, chủ công ty thiết kế nội thất Duy Quân.

Ngoài ra, cháu nội Hoàng Việt cũng đang tham gia quản lí công ty đầu tư giáo dục SEAEDI, công ty do ba thế hệ nhà Sơn Kim cùng góp vốn và điều hành ở Bắc Mỹ.

Với bà Sơn, "các con đều được sống trong gia đình kinh doanh ‘tứ đại đồng đường’, ý thức quản lí, làm giàu được thấm nhuần từ ông bà ngoại, mẹ và các dì, các cậu, các chú..."

Dù không nắm bất kì vị trí nào ở những công ty trên nhưng bà Hồng Trang cho rằng mẹ mình "là người phụ nữ có quyền lực ngầm, chẳng qua bà quá bận nên không có nhiều thời gian cho con.

Thay vào đó, mẹ tôi có óc quan sát, nhìn bao quát công việc làm ăn của con nên mẹ dễ dàng phát hiện ngay những chỗ nào chưa hợp lí để góp ý".

SonKim Land, thương hiệu bất động sản cao cấp

Trong số tứ trụ của SonKim Group, có thể nói SonKim Land định hình tên tuổi sớm hơn. Thông qua việc hợp tác và liên doanh với các đối tác ngoại như HongKong, Hamon Developments, Bankinvest, SonKim Land đã dần lớn mạnh ở nhiều phân khúc, từ căn hộ, văn phòng, nhà hàng, khách sạn, đến bán lẻ.

Năm 2015, SonKim Land ra mắt hai dự án nhà ở cao cấp ở khu Đông, gồm Gateway Thao Dien và The Nassim. Tại thời điểm này, căn hộ penthouse 450 m2 tại The Nassim có giá bán cao nhất hơn 80 triệu đồng mỗi m2 (chưa bao gồm VAT).

Những năm sau, đó, SonKim Land tiếp tục phát triển hàng loạt thương hiệu khác: The Metropole Thủ Thiêm, Khối văn phòng Empress Tower, Sentinel Palace; Căn hộ dịch vụ Oakwood Đô Thành, Indochine Park Tower; Nhà hàng Mama Sens, Jardin Des Sens; Khu nghỉ dưỡng Blue Ocean Resort,…

Sau 27 năm phát triển, SơnKim Land hiện có khoảng 11 công ty con, công ty liên kết và công ty cháu: CTCP Đầu tư Bất động sản Sơn Kim, Công ty TNHH Xúc tiến Đầu tư Quốc tế IIC, Công ty TNHH Pourcel Indochine, Công ty TNHH MTV Sơn Kim Offices, Công ty TNHH Khách sạn Quảng trường Quốc tế, CTCP Địa ốc Phúc Đạt, Công ty TNHH Dudoff Interio, Công ty TNHH GS 25 Vietnam, Công ty TNHH Liên doanh GS Retail Vietnam, Công ty TNHH Gateway Berkeley, CTCP Bất động sản PTH.

Tính đến cuối năm 2019, qui mô tài sản của nhóm SonKim Land vào khoảng 7.600 tỉ đồng và nợ phải trả xấp xỉ 6.000 tỉ đồng, lần lượt tăng 65% và 73% so với đầu năm. Doanh thu thuần của cả nhóm trong hai năm gần nhất trên dưới vài nghìn tỉ đồng.

Người phụ nữ quyền lực của nhà Sơn Kim - Ảnh 4.

Người phụ nữ quyền lực của nhà Sơn Kim - Ảnh 5.

Người phụ nữ quyền lực của nhà Sơn Kim - Ảnh 6.

Người phụ nữ quyền lực của nhà Sơn Kim - Ảnh 7.

Người phụ nữ quyền lực của nhà Sơn Kim - Ảnh 8.

Thông tin do bà Sơn chia sẻ, nhà Sơn Kim nắm 51% vốn tại SonKim Land, 49% còn lại thuộc sở hữu của các quĩ đầu tư trong và ngoài nước.

Bà Sơn quan niệm, "dù nhà mình chỉ còn nắm 30% cổ phần cũng là điều tốt, bởi các đối tác nước ngoài giỏi về quản lí, quản trị hơn mình".

Cuộc sống của một Facebooker ở tuổi về hưu, dõi theo 5 sự nghiệp của 5 người con

Người phụ nữ quyền lực của nhà Sơn Kim - Ảnh 5.

Ở tuổi 60, bà Sơn thành lập CTCP Đầu tư phát triển giáo dục Đông Nam Á và Trường THCS, THPT Duy Tân. Bước sang tuổi thập thất, bà dần chuyển giao công việc quản lí giáo dục cho cháu nội Nguyễn Hoàng Việt.

Ngoài công việc, bà Sơn còn có đam mê với Facebook. Với bà, mục tiêu mỗi ngày có một status trên nền tảng mạng xã hội này.

"Tôi cảm thấy việc tham gia Facebook có nhiều cái rất hay. Chẳng hạn, tôi đã tìm được những người bạn cũ từ nhiều năm không gặp và trò chuyện rất vui trên Facebook.

Tôi có thể chia sẻ với mọi người về một câu chuyện của xã hội trên tinh thần tích cực. Đó cũng là một hình thức đóng góp cho quê hương của chúng ta ngày thêm giàu đẹp.

Với cái điện thoại trên tay, đi đến đâu có cảnh đẹp cũng có thể chụp hình. Nhìn thấy những đứa cháu nội, ngoại đáng yêu cũng có thể "tách" một cái post lên Facebook. Đấy là niềm vui của tuổi già", bà Sơn từng chia sẻ trên trang cá nhân của mình.

Mới đây, bà cũng chia sẻ về niềm hạnh phúc nhỏ nhoi: "Bà lão có 5 người con, chúng nó bao gồm 5 gia đình nhỏ, 5 sự nghiệp nên cũng bận.

Từ ngày có COVID-19 nên khó tụ tập đông đủ. Bà già là người quen làm việc theo kế hoạch nên tự sắp lịch cho mình trong tuần.

Thứ Hai, thứ Tư giảng luật Quốc tế tại Viện IBLA. Tối thứ Hai ăn cơm và trao đổi công việc với con trai trưởng Hoàng Tuấn. Thứ ba, ở Long Thành ăn cơm với con trai Hoàng Anh, khởi công xây dựng khu vườn Huệ Hải tịnh viên.

Thứ Năm làm việc ở Trường Duy Tân. Thứ Sáu ăn cơm và trao đổi công việc với con gái Hồng Trang và con trai út Hoàng Lâm.

Thứ Bảy ăn cơm và trao đổi công việc với con gái cả Hồng Vân (hôm nay mẹ bị cảm nên không gặp con gái được). Chủ Nhật thư giãn không đi đâu xa vì không có lái xe. Thế là hết tuần làm việc của bà lão..."


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nội dung: Nguyên Ngọc. Đồ họa: Alex Chu

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.