|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cần giải pháp xử lý tình trạng nuôi trồng thủy sản ngoài quy hoạch

10:48 | 11/05/2017
Chia sẻ
Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tự phát. Đây được đánh giá là một nghề mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Tuy nhiên, việc nuôi thủy sản ngoài quy hoạch này cũng khiến cho người dân nhiều vùng chịu tổn thất nặng nề khi gặp thiên tại, dịch bệnh. Do đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp xử lý tình trạng này.
can giai phap xu ly tinh trang nuoi trong thuy san ngoai quy hoach
Cần giải pháp xử lý tình trạng nuôi trồng thủy sản ngoài quy hoạch. (Nguồn: Tổng cục Thủy sản)

Ông Lê Toan, ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đã tận dụng hơn 700 m2 diện tích mặt nước vốn là ruộng muối của gia đình để nuôi tôm, ghẹ. Đến gần ngày thu hoạch thì tôm ghẹ chết hàng loạt, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng tiền con giống, thức ăn,...

Ông Toan, cho biết, thấy những hộ lân cận nuôi được nên mình cũng muốn thử sức, không ngờ lại thất bại nặng nề, nợ nần chồng chất. Gia đình không biết nguyên nhân tôm, ghẹ chết là gì, bởi chính quyền cho biết do đây không phải vùng quy hoạch nuôi thủy sản nên họ không thể can thiệp tìm nguyên nhân, hỗ trợ.

Cũng tại xã Phổ Thạnh, gia đình anh Nguyễn Tấn Tiền đã tận dụng diện tích mặt nước tại cửa lạch Sa Huỳnh để nuôi hàu, cá bớp. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn thả nuôi số hàu, cá bớp của gia đình anh cũng chết hàng loạt.

Theo anh Tiền, chưa có năm nào thủy sản nuôi trồng bị chết như hai năm gần nay. Không riêng gì con hàu mà các loại khác như cá bớp, cá mú và tôm hùm cũng chết liên tục, có lồng chết đến 80- 90%, nông dân điêu đứng vì lỗ cả công lẫn vốn. Tuy nhiên, không ai muốn từ bỏ lồng bè vì không còn nghề nào để mưu sinh.

“Bản thân tôi không đi biển được thì phải tìm cho mình một cái nghề nào đó, ở vùng này không có nhiều đất để trồng trọt, nên tôi chọn chăn nuôi. Đã theo nghề rồi thì tôi xác định là sẽ có những rủi ro, thất bại. Làm nhiều thì sẽ có nhiều kinh nghiệm để phòng ngừa dịch bệnh, mang lại thu nhập”, anh Tiền chia sẻ.

Theo chính quyền xã Phổ Thạnh, khu vực cảng cá Sa Huỳnh và cánh đồng muối không nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương. Vì đây gần cụm công nghiệp, đồng thời là nơi neo đậu của tàu thuyền nên môi trường biển bị ô nhiễm khá nặng, dễ phát sinh dịch bệnh cho các loại thủy sản. Chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo, nhưng nông dân vẫn tiếp tục thả nuôi.

Ông Giã Tấn Tàu, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết, đây là những vùng địa phương thả nuôi không nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản cảu xã, nhưng vì lợi nhuận kinh tế nên nông dân tự nuôi.

Chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo để nông dân biết việc nuôi trồng này nếu không may gặp phải thiên tai, dịch bệnh sẽ gây nhiều thiệt hại, chính quyền sẽ không có bất kỳ hỗ trợ nào với những thiệt hại đó.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 15 ha diện tích mặt nước được nông dân sử dụng để nuôi trồng thủy sản nhưng không nằm trong sự quy hoạch của chính quyền.

Đối với những hộ dân nuôi thủy sản tại xã Phổ Thạnh, Chi cục Thủy sản muốn đưa vào quy hoạch để người dân nuôi thủy sản lâu dài, nhưng chính quyền địa phương sở tại không đồng ý vì cho rằng đây là luồng lạch ra vào và neo đậu của tàu thuyền, nên không thể sử dụng để nuôi thủy sản.

Còn đối với hơn 5 ha diện tích nuôi cá bớp, hàu tại vùng biển xã Bình Đông, Bình Thuận huyện Bình Sơn đã được quy hoạch cho nhà máy thép Hòa Phát sử dụng, nên nông dân cũng sẽ sớm giao lại mặt bằng. Còn tại một số xã khác như Bình Hải, Bình Phước (huyện Bình Sơn), Tịnh Khê (thành phố Quảng Ngãi) thì chính quyền địa phương phải theo dõi, giám sát.

Bà Phạm Thị Đông, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết, ngành đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, thống kê các điểm nuôi thủy sản ngoài quy hoạch. Giao các địa phương theo dõi, giám sát các vùng này, đồng thời tuyên truyền vận động nông dân không nuôi thủy sản theo kiểu tự phát này.

Thực tế, việc nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm không những gây thiệt hại cho người nuôi khi bị dịch bệnh mà đầu ra của sản phẩm cũng rất bấp bênh. Vì vậy, nếu những hộ dân vẫn tiếp tục nuôi tự phát nếu gặp thiên tai, dịch bệnh thì phải tự chịu trách nhiệm, cơ quan chức năng không có sự hỗ trợ./.

Đinh Thị Hương