Nhu cầu thế giới đã đạt đỉnh, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cuối năm dự báo khó tăng
Nhu cầu thủy sản sẽ quay đầu giảm trong cuối năm
Tại Hội thảo nhu cầu và xu hướng thị trường thủy sản hậu COVID-19, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết nhu cầu thủy sản toàn cầu đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong nửa cuối 2022.
Nguyên nhân là đồng USD tăng giá làm giảm nhu cầu ở nhiều thị trường; trong đó có EU, Nhật Bản. Cùng với đó, lượng tồn kho tăng khiến nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng và tìm cách hạ giá nhập khẩu.
Tình hình lạm phát gia tăng làm giảm chi tiêu cho thủy sản, người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho các loài có giá vừa phải phù hợp với thu nhập đang bị sụt giảm. Tôm nhỏ, cá tra, chả cá, surimi, cá biển nhỏ vẫn có nhu cầu cao nhưng giá sẽ giảm so với nửa đầu năm.
"Đây cũng sẽ là xu hướng mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần linh hoạt đáp ứng để giữ được thị phần trong giai đoạn hiện nay", bà Hằng lưu ý.
Báo cáo cập nhật Nuôi trồng thủy sản toàn cầu 6 tháng cuối năm 2022 của Rabobank cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ giảm vào nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh chi phí sản xuất liên tục tăng bởi chi phí thức ăn, cước phí vận tải hàng hoá, năng lượng vẫn ở mức cao và có thể tăng hơn nữa trong nửa cuối năm nay.
Và nếu nguồn cung tôm của thế giới tiếp tục tăng như trong nửa đầu năm 2022 hoặc nếu nhu cầu của người tiêu dùng tiếp tục giảm, Rabobank dự đoán giá có thể giảm xuống dưới mức hòa vốn cho người nuôi. Trên thực tế, ở một số lĩnh vực của ngành tôm toàn cầu, điều này đã xảy ra.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cuối năm dự báo ở mức 4,5 - 5 tỷ USD
Trước những xu hướng này của thị trường thế giới, bà Lê Hằng cho rằng trường hợp xấu nhất, giá trị xuất khẩu nửa cuối năm nay của Việt Nam sẽ tương đương với nửa cuối năm trước, ở mức 4,8-5 tỷ USD. Theo đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cả năm có kim ngạch khoảng 10,5-10,7 tỷ USD.
Dự báo về tình hình xuất khẩu thủy sản cuối năm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng tồn kho cao, lạm phát, nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ giảm khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ khó khăn hơn trong giai đoạn cuối năm 2022.
Cụ thể, theo phân tích của VDSC tình hình xuất khẩu cá tra tại thị tường này có nguy cơ suy thoái bởi sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến các nhà bán sỉ của Mỹ nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thủy sản trong khi lạm phát đang diễn ra đã thắt chặt chi tiêu của khách hàng, dẫn đến dư cung trong quý III/2022.
Dẫu vậy, thị trường Trung Quốc có thể là điểm sáng trong nửa cuối năm 2022 khi quốc gia này có dấu hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế.
Theo các chuyên gia của VDSC, trong nửa đầu năm nay riêng giá trị xuất khẩu cá tra tăng 82%, mạnh hơn mức tăng 31% của giá trị xuất khẩu tôm do nhu cầu tiêu thụ cá tra tăng mạnh sau hai năm chững lại, đặc biệt trong bối cảnh thiếu hụt cá trắng toàn cầu. Ngoài ra, cá tra nguyên liệu trong nước cũng đẩy giá bán tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022.
Trước đó, nửa cuối năm 2021, thị trường Mỹ dẫn đầu về xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong khi thị trường Trung Quốc giảm sâu, tình hình này có vẻ sẽ đảo ngược trong nửa cuối năm 2022.
"Nhu cầu tăng nhanh sau hai năm giảm sẽ là động lực cho xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2022", VDSC nhận định đồng thời đặt kỳ vọng nguồn cung nguyên liệu nửa cuối năm nay sẽ ít tăng đột biến hơn so với giai đoạn 2018-2019, do chi phí thức ăn cao và nguy cơ nhu cầu giảm đã hạn chế hoạt động nuôi mới.
Điều này cũng thúc đẩy giá bán neo ở mức cao vàxuất khẩu quý IV/2022 có thể tăng trở lại khi các nhà nhập khẩu giải quyết được vấn đề tồn kho và tăng lượng hàng dự trữ cho mùa lễ trong những tháng cuối năm.