Cần bình đẳng để cạnh tranh
Ứng dụng phần mềm đặt xe qua App “Taxi 57” - Ảnh: Tạ Tôn |
Theo tôi, mấu chốt của vấn đề là do cơ chế về quản lý vận tải cũng như cơ chế quản lý thuế, giá còn nhiều bất cập. Trong khi taxi truyền thống bắt buộc phải kê khai giá thì Grab và Uber không phải thực hiện. Kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh, quá trình cạnh tranh dễ đẻ ra độc quyền. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế để kiểm soát độc quyền hiệu quả. Công cụ kiểm soát độc quyền tốt nhất là kiểm soát bằng giá. Vì vậy, cần quy định giá trần, còn nếu đã là cạnh tranh tự do thực sự, giá phải do thị trường tự quyết định. Không nên bắt buộc doanh nghiệp taxi phải kê khai giá.
Chúng ta có thể thấy rõ nhất sự bất bình đẳng, chênh lệch trong thuế, phí giữa taxi truyền thống và Grab Car, Uber. Khi thuế, phí có sự khác nhau, chắc chắn dẫn đến giá thành khác nhau. Vì vậy, cần sửa đổi lại cơ chế để tạo sự công bằng, minh bạch cho tất cả các loại hình. Chỉ trên cơ sở đó Nhà nước mới thu được thuế, người tiêu dùng được hưởng lợi.
Điều quan trọng nhất để thu được thuế là xác định rõ mô hình, bản chất kinh doanh. Bản chất của loại hình dịch vụ Grab, Uber cũng chưa đồng nhất. Quan điểm của ngành GTVT và cơ quan thuế TP.HCM coi Grab, Uber là mô hình cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ. Bộ Tài chính coi đó là một bộ phận cấu thành của dịch vụ vận tải. Bộ Công thương cho rằng, đây là hình thức kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử. Cho nên cần phải có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng nó là loại mô hình nào, bản chất ra sao. Chúng ta cần xem xét cơ chế đã lỗi thời hay chưa để thay đổi, không nên bắt cái mới phải theo cái đã lỗi thời. Không phải là do Grab và Uber mà là do lỗi thời của cơ chế đã tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng. Yếu tố duy nhất dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng là do taxi truyền thống đang gánh nhiều chi phí nên buộc giá phải cao mới tồn tại.
Tôi đã trải nghiệm nhiều loại hình vận tải và cho rằng, Grab, Uber thực sự có nhiều tiện ích. Tuy nhiên, đã là kinh doanh, doanh nghiệp phải chấp hành quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng “đường ray” khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để quản lý loại hình mới như Uber và Grab. Qua đó đảm bảo hài hòa lợi ích để Nhà nước thu được thuế, doanh nghiệp đảm bảo lợi nhuận, giảm chi phí quản lý, giá thành sản phẩm, người tiêu dùng được thụ hưởng công nghệ phát triển.
TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế