|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bi kịch của những ông lớn taxi truyền thống: Mai Linh lỗ luỹ kế trên nghìn tỷ, Vinasun mấp mé bờ vực hủy niêm yết

07:40 | 30/05/2022
Chia sẻ
Giai đoạn hoàng kim của những hãng xe taxi truyền thống gần như chấm dứt khi những ông lớn công nghệ dấn thân vào thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi một thời như Mai Linh, Vinasun, Vinataxi,... đang trầy trật tìm lối đi riêng để sinh tồn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.

Gần một thập kỷ xuất hiện, sự phổ biến của dịch vụ taxi công nghệ (Grab, Be, GoJek...) cộng với chiến lược trợ giá đang khiến nhiều hãng taxi truyền thống lao đao, mất thị phần, giảm doanh thu.

Cuộc chiến của những người đến trước và đến sau thị trường vận tải taxi cũng từng gây ra nhiều tranh cãi, kiện tụng và tốn nhiều giấy mực của truyền thông. Sau 8 năm kể từ ngày Grab đặt bước chân đầu tiên vào Việt Nam, các hãng xe từng "lừng lẫy" một thời như Vinasun hay Mai Linh đều cho thấy sự hụt hơi trong cuộc đua giành lại thị phần.

Vinasun mấp mé nguy cơ hủy niêm yết

CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS) - doanh nghiệp từng chiếm lĩnh thị phần phía Nam đã từng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng từ năm 2008, song dần sa sút từ năm 2016 - thời điểm không lâu sau khi Grab thâm nhập Việt Nam.

Kết quả kinh doanh của Vinasun tăng tốc mạnh mãi cho đến năm 2016 thì bị sa sút do sự xuất hiện của các doanh nghiệp gọi xe công nghệ. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của Vinasun). 

Không chỉ giảm về doanh thu, số lượng xe của hãng cũng liên tục đi xuống. Cuối năm 2019, Vinasun có 4.921 xe kinh doanh taxi, và con số dự kiến cuối năm 2022 là 2.621 chiếc.

Riêng quý I/2022 vừa qua, tình hình kinh doanh có khả quan hơn khi Vinasun đã ngắt được mạch thua lỗ 8 quý liên tiếp với số lãi sau thuế 12,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 30 tỷ. Nguyên nhân nhờ giảm số lượng xe nằm bãi, giảm chi phí, khuyến khích lái xe quay lại làm việc, tập trung vào các địa bàn trọng điểm sau khi tình hình COVID-19 đã được khống chế.

Tuy nhiên khoản lỗ của hai năm 2020 và 2021 cũng đang đe dọa đến việc cổ phiếu VNS của doanh nghiệp taxi có thể bị hủy niêm yết nếu năm 2022 vẫn tiếp đà thua lỗ. Vì vậy mà Vinasun đang dốc sức để đạt được kế hoạch có lãi trở lại trong năm nay.

Taxi Mai Linh ôm khoản lỗ lũy kế trên 1.400 tỷ đồng

Một đại gia khác ở khu vực phía Bắc là CTCP Tập đoàn Mai Linh có số phận hẩm hiu hơn khi số lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2021 là 1.419 tỷ đồng, vượt vốn góp của chủ sở hữu là 1.246 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính kiểm toán mới công bố.

Riêng năm 2021, doanh thu ghi nhận thấp nhất từ trước đến nay là 1.064 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2020. Số lỗ ròng năm ngoái là 254 tỷ đồng và là lần báo thua lỗ đậm nhất trong lịch sử hoạt động.

Ngoài ra trong năm 2021, Mai Linh đầu tư 303 xe nhưng thanh lý 1.017 xe, đưa tổng số phương tiện taxi của toàn hệ thống tính đến ngày 31/12/2021 là 13.861 phương tiện.

Cục diện khó khăn này đã diễn ra với Mai Linh từ gần chục năm trước, tức năm 2012, khiến doanh nghiệp mấp mé bên bờ vực phá sản. Để rồi vị Chủ tịch là ông Hồ Huy phải thừa nhận “Thua lỗ do chúng tôi sai lầm” trong chiến lược mở rộng địa bàn kinh doanh.

Ngoài ra, việc công ty taxi này tổ chức doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - con theo từng khu vực (TP HCM, miền Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ) và các công ty cháu tại từng tỉnh cũng đã tạo cho Mai Linh bộ máy quản lý cồng kềnh.

Mai Linh chìm trong thua lỗ trong nhiều năm liền khiến số lũy kế tính đến cuối năm 2021 trên 1.400 tỷ đồng. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của Mai Linh).

 Doanh nghiệp nhỏ lẻ càng hụt hơi 

Là một trong những thương hiệu đầu tiên khai phá thị trường tại Việt Nam vào năm 1992, Công ty Taxi Việt Nam (Vinataxi) được coi là người tạo ra sân chơi trong dịch vụ vận chuyển hành khách bằng dịch vụ taxi tại Việt Nam, nhất là tại khu vực TP HCM.

Hãng xe Vinataxi với màu vàng nhận diện đặc trưng, là một trong những đơn vị đặt nền móng cho taxi TP HCM. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Đến năm 2003, Vinataxi được hậu thuẫn với số tiền 1,5 triệu USD từ Tập đoàn ComfortDelgro, một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành taxi tại thị trường Singapore và Tracodi (sau này là thành viên của Bamboo Capital).

Sự gia nhập của Vinasun và Mai Linh khiến miếng bánh thị phần của Vinataxi dần nhỏ đi. Cộng với việc cổ đông nước ngoài nắm 70% cổ phần khiến doanh nghiệp bị hạn chế mở rộng hình thức xe dịch vụ, giao nhận logistics,…

Số liệu công bố cho thấy năm 2018, công ty lỗ sau thuế hơn 4 tỷ đồng và doanh thu hơn 46 tỷ đồng, giảm so với con số lãi 1,22 tỷ đồng và doanh thu 54 tỷ năm trước đó.

Không đơn thuần chịu áp lực từ phía các đối thủ trong ngành, Taxi SaigonTourist – từng trực thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) còn đối mặt với vấn đề nội bộ lục đục, vốn đã diễn ra trước khi có Grab xuất hiện.

Thành lập từ năm 1976 rồi năm 2004 được cổ phần hóa, tình hình kinh doanh của Taxi SaigonTourist bắt đầu lao dốc từ năm 2014, cùng thời điểm nhóm cổ đông Nhật Bản đầu tư vốn và nắm giữ nhiều vị trí trong Hội đồng quản trị. Cũng từ đây, mâu thuẫn giữa hai nhóm cổ đông lớn Việt Nam và Nhật Bản trở nên căng thẳng và kiện nhau ra tòa kéo dài từ năm này đến năm khác.

Đến năm 2020, khi mâu thuẫn tăng đỉnh điểm, cổ đông lớn đã yêu cầu công ty mở thủ tục phá sản do công ty hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ vượt vốn điều lệ, mất khả năng thanh toán.

Tính đến cuối năm 2020, Taxi Saigontourist lỗ lũy kế 87 tỷ đồng, vượt vốn góp chủ sở hữu (85 tỷ).

Trầy trật tìm lối đi riêng để sinh tồn

Thị trường kinh doanh taxi không phải là miếng ngon khi các công ty gọi xe công nghệ như Grab và Be với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, chịu chơi trong cuộc đua đốt tiền để bành trướng. Các công ty taxi truyền thống liên tục tìm lối đi riêng để “sống sót” trong thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này.

Vinasun ra mắt dòng xe Wigo có lợi thế cạnh tranh về giá, ngang bằng Grab. Hay cho ra app Vinasun, bổ sung các tính năng mới như SmartPost, nâng cấp 2G lên 4G, VNS Prepaid.

Đồng thời, Vinasun tiếp tục triển khai việc chuyển nhượng xe dưới hình thức trả chậm cho tài xế để kinh doanh taxi theo phương thức thương quyền. Ngoài ra, doanh nghiệp tạm dừng dịch vụ tại các địa phương nhỏ lẻ và tập trung chính vào Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương.

Bằng cách thu hẹp hoạt động, bán bớt tài sản (xe,...) và trả bớt nợ giúp kết quả của Vinasun tăng trưởng trong quý I/2022. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp).

Bản thân Mai Linh cũng có các dự án chuyển đổi hoạt động kinh doanh taxi từ phương thức truyền thống sang các phương thức hiện đại, tăng cường hợp tác kinh doanh, tăng đầu xe; mở mang vận chuyển hành khách đường thủy; kết hợp với Dai-chi life Vietnam kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ; chuyển tổng đài taxi dần sang hoạt động kinh doanh bán hàng trực tuyến…

Trong khi đó, cách làm của Taxi SaigonTourist là tiếp tục thanh lý xe quá niên hạn và đang thu hút thêm số lượng xe thuê ngoài để phục vụ mảng taxi và dịch vụ cho thuê xe. Công ty cũng trích hoa hồng cho bất cứ nhân viên nào mang về học viên mới cho trung tâm đào tạo lái xe.

Còn Vinataxi sau nhiều năm bị trì trệ, đối tác ngoại đã thoái và chuyển nhượng lại cho phía Helios, thành viên thuộc Bamboo Capital.

Cách đây không lâu, ban lãnh đạo Bambo Capital cho biết với lợi thế sở hữu đất và nhà xưởng hơn 6.000 m2 trong Khu công nghiệp Tân Bình (TP HCM), Vinataxi sẽ mở rộng ngành nghề giao nhận hàng hoá khi nhu cầu hiện nay rất cao. Song song đó vẫn phải chuyển đổi qua taxi công nghệ cùng với app và hình thức thanh toán đi kèm.

Minh Hằng