Các thị trường cần theo dõi trước khi Mỹ ‘khai hỏa’ thuế quan 200 tỷ USD
Ông Trump có thể đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tuần tới | |
Trung Quốc giục Mỹ đưa ra quyết định đúng đắn về thuế quan đánh lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu |
Tổng thống Donald Trump được cho là đã sẵn sàng leo thang cuộc chiến thương mại với “vũ khí” thuế quan đánh lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc sau khi giai đoạn tham vấn ý kiến công chúng kết thúc vào ngày 6/9. Động thái này có thể khuynh đảo thị trường, từ thị trường chứng khoán Mỹ đến các thị trường mới nổi và vô hiệu hóa các bước tiến mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ.
“Nó sẽ gây ra một ít biến động trong ngắn hạn. Chúng ta đang bắt đầu nhìn thấy từ góc nhìn kinh tế một số tác động của thương mại và thuế quan, vì thế nếu chúng ta phải trải qua những khó khăn này và Trung Quốc trả đũa, chúng ta sẽ không thấy tác động của nó cho đến quý I”, ông Paul Nolte, nhà quản lý danh mục đầu tư tại hãng Kingsview Asset Manageme, cho biết.
Sau đây là một số thị trường đã hứng chịu thiệt hại khi căng thẳng thương mại leo thang những tháng qua và sẽ dễ bị tổn thương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images. |
Ngành công nghệ Trung Quốc
Một trong những mục tiêu chính của các hành động thương mại từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump là ngành công nghệ Trung Quốc. Mỹ đề xuất đánh thuế hồi tháng 3 nhằm đáp trả “cách thực hành thương mại bất bình đẳng” gắn liền với chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và sáng tạo. Kể từ đó, các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động kém hẳn so với các đối thủ Mỹ. Những “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent chiếm gần 12% trong Chỉ số Các thị trường Mới nổi MSCI, đồng nghĩa chỉ số này cũng bị “vạ lây”.
Các nhà sản xuất công nghiệp Mỹ
Một lĩnh vực dễ tổn thương khác trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là các nhà sản xuất Mỹ, vốn phụ thuộc vào doanh số trên thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty công nghiệp đã kéo giảm Chỉ số S&P 500 khoảng 5% từ đầu năm đến nay.
Các công ty có giá trị vốn hóa thấp
Trên quy mô lớn hơn, các công ty có giá trị vốn hóa thấp đã thể hiện tốt hơn so với các doanh nghiệp toàn cầu và được xem là khá “miễn dịch” với tranh chấp thương mại hiện nay do tính nội địa của các công ty này. Sự khác biệt này cũng diễn ra khi đồng USD mạnh lên trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, chính sách tiền tệ thắt chặt được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) duy trì và biến động mạnh tại các nền kinh tế mới nổi.
Các thị trường mới nổi
Các thị trường mới nổi có thể là đối tượng lo ngại nhất về căng thẳng thương mại giữa các cường quốc do phải chống chọi với đồng USD mạnh. Chỉ số Các thị trường mới nổi MSCI, trong đó các cổ phiếu niêm yết trên sàn Hong Kong và Trung Quốc chiếm gần 1/3, giảm hơn 20% kể từ khi tăng lên cao nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 1.
Đồng nhân dân tệ
Đồng nhân dân tệ được giới đầu tư theo dõi sát sao trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Giá nhân dân tệ tại nước ngoài có thời điểm mất giá đến 11% so với đồng bạc xanh kể từ khi lên cao nhất một năm hồi tháng 3. Đồng tiền Trung Quốc suy yếu giúp vô hiệu hóa một phần tác động từ các biện pháp thương mại của Mỹ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Thomas White/Reuters. |
Đậu nành
Một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang thị trường Trung Quốc là đậu nành. Giá nông sản này đã giảm khoảng 22% kể từ tháng 4 khi chính quyền Bắc Kinh cho biết sẽ áp thuế bổ sung 25% lên 106 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có đậu nành.
Xem thêm |