Các quỹ đầu tư mạo hiểm chịu tác động lớn hơn startup ở Đông Nam Á sau sự sụp đổ của SVB
So với các công ty khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á có thể chịu tác động lớn hơn từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vì việc tìm kiếm một sự thay thế cho ngân hàng có trụ sở tại Mỹ trong khu vực sẽ là một thách thức không đơn giản, theo CNBC.
“Tôi nghĩ từ quan điểm của một quỹ đầu tư mạo hiểm, mọi người sẽ nhìn thấy tác động lớn hơn ở đây”, David Gowdey, đối tác quản lý tại Jungle Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm nhắm vào khu vực Đông Nam Á chia sẻ trên sóng chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC.
“Lý do dẫn tới việc các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ chịu tác động lớn hơn các startup ở Đông Nam Á là vì các ngân hàng địa phương ở đây không cung cấp cùng sản phẩm và dịch vụ mà SVB cung cấp”, ông Gowdey chia sẻ, đồng thời cho biết thêm rằng SVB là ngân hàng chính của Jungle Ventures.
Trong khi SVB phục vụ các công ty khởi nghiệp liên quan tới ngành công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm hầu hết ở Mỹ hoặc có sự hiện diện ở Mỹ, một số quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Đông Nam Á — chẳng hạn như Jungle Ventures và Golden Gate Ventures — cũng là khách hàng của SVB.
Ngân hàng có trụ sở tại Mỹ này đã cung cấp cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty khởi nghiệp quyền thâm nhập vào thị trường vốn của Mỹ cũng như các cơ hội kết nối mạng lưới ở Mỹ.
Ông Gowdey cho biết SVB đã phục vụ và xây dựng một dịch vụ cung cấp sản phẩm rất mạnh cho các công ty đầu tư mạo hiểm, đồng thời cho biết thêm rằng Jungle Ventures giờ đây có thể sẽ phải “tìm kiếm một công ty khác thuộc Big Four ở Mỹ để trở thành đối tác của quỹ đầu tư mạo hiểm này”.
Vinnie Lauria, một đối tác quản lý tại Golden Gate Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn khác ở Đông Nam Á, chia sẻ trên sóng chương trình "Street Signs Asia" của CNBC rằng việc thay thế một số chức năng mà SVB cung cấp cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và startup ở Mỹ "sẽ rất khó khăn".
“Chúng tôi là khách hàng của SVB nên chúng tôi hiểu rất rõ về những giá trị thực tế mà SVB có thể đem lại cho các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như các startup trong giai đoạn đầu”, đối tác quản lý tại Golden Gate Ventures chia sẻ.
Lauria cũng xác nhận rằng có chưa tới 1% số lượng startup trong toàn bộ danh mục đầu tư của Golden Gate Ventures đã thực hiện giao dịch với SVB. Ông nói, đối với những công ty được hỗ trợ bởi Golden Gate Ventures có giao dịch ngân hàng với SVB, họ không tham gia đầy đủ các dịch vụ ngân hàng với ngân hàng Mỹ.
Trong khi đó, ông Gowdey cho biết chỉ có hai công ty trong danh mục hơn 70 công ty khởi nghiệp mà Jungle Ventures đã đầu tư có sự tiếp xúc với SVB. “Sở dĩ có điều này là bởi vì hai startup đó có hoạt động tại Mỹ”, ông nói thêm.
Đối tác quản lý tại Jungle Ventures nói thêm rằng trong khi có hai công ty có tiếp xúc với SVB, thì chỉ có một công ty tiếp xúc trực tiếp, đồng thời cho biết thêm rằng công ty phải đối mặt với việc tiếp xúc trực tiếp này đã thuê SVB cho các dịch vụ trả lương.
Đối với các công ty khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á, các quỹ đầu tư mạo hiểm cho biết rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự lây lan từ cú sụp đổ của SVB.
“Thực tế là, ở Đông Nam Á, rất nhiều công ty khởi nghiệp đã thực sự tìm kiếm được bước đệm. Hầu hết trong số họ không giao dịch với SVB. Vì vậy, thực tế là khu vực Đông Nam Á đã rất tách biệt với những gì đang xảy ra ở Thung lũng Silicon”, Vinnie Lauria chia sẻ.
SVB sụp đổ là cơ hội cho khu vực Đông Nam Á
Trước đó, cũng trên sóng một chương trình khác của CNBC, ông David Gowdey đã chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ rằng tác động từ sự sụp đổ của SVB cần được lưu ý, nhưng tôi không nghĩ rằng tác động của sự kiện này sẽ lan rộng đến khu vực Đông Nam Á”.
“Tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và chính phủ quốc gia này đã làm một công việc tuyệt vời khi can thiệp nhanh và loại bỏ rất nhiều rủi ro đó, tạo ra sự ổn định trên thị trường”, ông David Gowdey nói. Vào ngày 12/3, các quan chức Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã công bố kế hoạch giải quyết vấn đề cho những người gửi tiền tại SVB.
“Tôi nghĩ rằng bối cảnh vĩ mô hiện tại có tương đối nhiều biến động. Tất nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn sẽ khó khăn hơn, nhưng mọi thứ ở khu vực Đông Nam Á vẫn ổn và vẫn đang được triển khai bình thường”, ông Gowdey nói thêm.
Cũng trong khuôn khổ chương trình đó, Vinnie Lauria cho biết: “Sự kiện này thực sự “hữu ích” cho cả khu vực Đông Nam Á. Bây giờ khu vực này giống như “một thỏi vàng” thu hút sự quan tâm đối với các nhà đầu tư Mỹ. Các nhà đầu tư bắt đầu nói: “Tôi muốn đa dạng hóa các tài khoản ngân hàng khác nhau, các khu vực địa lý khác nhau, các loại tiền tệ khác nhau”. Xét theo bối cảnh và những gì đang diễn ra, Đông Nam Á đang có cơ hội để tỏa sáng”