|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các quốc gia Đông Nam Á đang cứng rắn đối với Temu và Shein như thế nào?

07:13 | 16/12/2024
Chia sẻ
Đối mặt với làn sóng giá rẻ từ Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á buộc phải hành động để bảo vệ hàng hoá nội địa.

Các nước Đông Nam Á đang áp dụng các biện pháp hạn chế đối với các công ty thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein, khi các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ được xem là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp trong nước.

Sự phát triển của các nền tảng mua sắm trực tuyến Trung Quốc đã làm gia tăng lưu lượng hàng hóa qua biên giới Việt Nam và Trung Quốc.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, khoảng 530.000 xe tải và phương tiện khác đã qua cửa khẩu Lạng Sơn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, với khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục.

Tại cửa khẩu Lạng Sơn, những hàng dài xe tải chờ vào Việt Nam xuất hiện thường xuyên. Một phụ nữ điều hành cơ sở đổi tiền gần đó nói với tờ Nikkei Asia.: "Xe đến liên tục từ sáng sớm cho đến khi trời tối."

Các quốc gia Đông Nam Á dần trở nên cứng rắn đối với hàng giá rẻ Trung Quốc. (Ảnh: AARP).

Mới đây, Viettel Post đã khai trương cơ sở logistics mới tại Lạng Sơn. Theo Tổng Giám đốc Hoàng Trung Thành, cơ sở này giúp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hải quan từ 3-4 ngày xuống còn 24 giờ.

Shein, thương hiệu thời trang nhanh, đã ngày càng phổ biến tại Việt Nam trong năm qua, trong khi Temu, thuộc sở hữu của Tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc), hoạt động tại Việt Nam từ tháng 10.

Các nền tảng này thu hút người dùng nhờ chất lượng tương đối cao và giá cực thấp. Ví dụ, một gói 10 đôi tất trên Temu có giá gần 45.000 đồng, chỉ bằng một phần ba giá tại các chợ truyền thống ở Hà Nội. Một số đơn hàng thậm chí còn được miễn phí giao hàng.

Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á vốn đã rất cạnh tranh, với sự hiện diện của các tên tuổi lớn như Shopee, do tập đoàn công nghệ Sea (Singapore) vận hành, và Lazada, thuộc sở hữu của Alibaba Group (Trung Quốc).

Dù mới gia nhập khu vực, Temu và Shein đã vấp phải các biện pháp ngăn chặn từ Việt Nam. Bộ Công Thương Việt Nam yêu cầu Temu tạm ngừng hoạt động vào đầu tháng 12, trong khi Shein cũng bị đình chỉ tạm thời. Lý do chính thức được đưa ra là hai công ty này không tuân thủ yêu cầu đăng ký kinh doanh trước hạn chót cuối tháng 11.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cảnh báo từ tháng 10 rằng các nền tảng thương mại điện tử bán hàng với giá cực thấp sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp nội địa.

Chính phủ Indonesia cũng đã ngăn chặn Temu tiếp cận thị trường nước này bằng cách loại bỏ ứng dụng khỏi kho ứng dụng Apple và Google vào tháng 10. Tại Thái Lan, các cuộc thảo luận đang diễn ra để đảm bảo Temu đóng thuế đầy đủ. Các ý kiến phản đối tại cả hai quốc gia đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ doanh nghiệp nội địa.

Temu và Shein thực hiện mô hình kinh doanh liên kết trực tiếp với các nhà sản xuất Trung Quốc, loại bỏ trung gian để giảm giá thành. Đây là mô hình đặc biệt phù hợp với Trung Quốc, tận dụng năng lực sản xuất khổng lồ của quốc gia được coi là "công xưởng thế giới".

Chính phủ Trung Quốc cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho mô hình này. Năm 2015, khu thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới đầu tiên với các ưu đãi thuế và thủ tục đơn giản đã được thành lập tại tỉnh Chiết Giang. Hiện nay, Trung Quốc có 165 khu vực thí điểm như vậy.

Không chỉ tại Đông Nam Á, Temu và Shein còn chịu áp lực lớn tại Mỹ và châu Âu. Tháng 11 vừa qua, Ủy ban châu Âu và các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng quốc gia đã cảnh báo Temu về các hành vi thương mại gian dối và yêu cầu thay đổi hoặc chịu phạt. Tại Mỹ, cả hai nền tảng đều đang bị giám sát về khả năng vi phạm sở hữu trí tuệ và lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, Đông Nam Á vẫn là một thị trường đầy tiềm năng. Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings (Singapore) và Bain & Co., thị trường thương mại điện tử khu vực này được dự báo đạt 370 tỷ USD vào năm 2030, gần gấp ba lần con số năm 2023, với mức tăng trưởng hàng năm hơn 15%.

Thành Vũ