Các doanh nghiệp đã có kế hoạch nuôi ruồi lính đen làm TACN, dự kiến 1-2 năm tới sẽ có sản phẩm
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 6,6 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chi khoảng 3 tỷ USD để nhập khẩu các nguyên liệu chính như ngô, đậu tương cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, 8 tháng đầu năm, nhập khẩu ngô đạt 5,8 triệu tấn, tương đương gần 2,1 tỷ USD, giảm 16% về lượng nhưng tăng 7,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân giá ngô nhập khẩu ở mức 355 USD/tấn, tăng 26%.
Tương tự, nhập khẩu đậu tương ở mức gần 1,3 triệu tấn, tương đương 895 triệu USD, giảm 8% về lượng nhưng tăng 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi cho biết hiện, Việt Nam tự chủ được 40% nguyên liệu, còn lại 60% phụ thuộc vào nhập khẩu. Để giảm sự phụ thuộc vào thị trường thế giới, Chính phủ đã chỉ đạo chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cây làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện, Tập đoàn De Heus đã phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi xây dựng một số hợp tác xã trồng sắn, trồng ngô ở các tỉnh Tây Nguyên, đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp việc sản xuất thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, Cục Chăn nuôi cũng vừa hoàn thành các thủ tục pháp lý để đưa ruồi lính đen vào danh sách giống vật nuôi. Loại côn trùng này giúp chuyển hóa phế thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ, ấu trùng của ruồi lính đen có thể được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc tinh chế các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Cục đang hoàn thành hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi ruồi lính đen cho nông dân và cơ quan quản lý.
“Sản xuất protein, axit amin là lĩnh vực có nhiều tiềm năng đầu tư. Hiện các doanh nghiệp đã lập kế hoạch phát triển, dự kiến 1-2 năm tới sẽ có sản phẩm”, ông Chinh nói.
Các dự án phát triển nguyên liệu đang được phát triển, song Việt Nam vẫn khó tự chủ 100% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
“Tôi xin khẳng định Việt Nam không thể nào không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều đó là không tưởng. Tại sao một đất nước nông nghiệp, một năm xuất khẩu gần 50 tỷ USD nông sản mà không sản xuất được nguyên liệu thức ăn chăn nuôi?
Một bài toán rất đơn giản, cái gì mà có lợi thế thì sản xuất, không nên đua để tự túc 100%. Chúng ta có kinh nghiệm sản xuất gạo nhưng với ngô và đậu tương thì không. Chúng ta không thể cạnh tranh 2 sản phẩm này”, ông Chinh nói.