|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thức nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng trong năm 2023?

21:01 | 14/09/2022
Chia sẻ
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục Trưởng Cục Chăn dự báo năm 2023, giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa thể hạ nhiệt do căng thẳng giữa Nga - Ukraine vẫn chưa biết khi nào kết thúc. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng vì Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng trở lại

Theo dữ liệu từ trang trading economics, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như đậu tương và ngô đang có xu hướng tăng trở lại kể từ giữa tháng 7. Theo đó, tính đến ngày 14/9, giá đậu tương giao sau giao dịch ở mức 15,13 USD/giạ (1 giạ = 27,2 kg), tăng 16% từ mức đáy 7 tháng thiết lập hôm 22/7. Cùng lúc, giá ngô giao dịch ở mức 7,11 USD/giạ, tăng 27% so với hôm 22/7.

 Diễn biến giá đậu tương trong 1 năm qua. Nguồn: Tradingeconomics

 Diễn biến giá ngô trong 1 năm qua. Nguồn: tradingeconomics

Điều này dấy lên lo ngại giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thời gian tới sẽ tăng trở lại khi lượng tồn kho của đợt hàng giảm giá của trong tháng 6 - 7 của các doanh nghiệp cạn dần. 

Trao đổi với người viết tại buổi Họp báo Triển lãm VietStock EXPO & FORUM 2022, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi cho biết đợt tăng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới vừa qua, là do 3 nguyên nhân. Đầu tiên là xung đột giữa Nga - Ukraine leo thang. Trong khi đây là hai quốc gia sản xuất lúa mỳ, ngô và hướng dương lớn trên thế giới. 

Thứ hai, các nước sản xuất ngô lớn ở Nam Mỹ, Châu Âu chịu tác động bởi biển động khí hậu và khủng hoảng năng lượng khiến chi phí tăng cao. 

Cuối cùng COVID-19 cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. 

“Chúng tôi cho rằng năm 2023, giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa thể hạ nhiệt do căng thẳng giữa Nga - Ukraine vẫn chưa biết khi nào kết thúc”.

  Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi. (Ảnh: H.Mĩ)

Theo số liệu của của Tổng Cục Hải quan, giá đậu tương, ngô, lúa mỳ nhập khẩu duy trì ở mức cao trong suốt 2 năm qua. Tính đến tháng 8, giá đậu tương nhập khẩu trung bình ở mức 751 USD/tấn, tăng gần gấp đôi với cùng kỳ năm 2020. Giá ngô cũng tăng khoảng 90% lên 363 USD/tấn.

Điều này đẩy giá thức ăn thành phẩm tăng khoảng 30%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhiều lần đã kêu gọi doanh nghiệp sản xuất thức ăn kìm giá bán để hạ giá thành chăn nuôi. 

Hiện tại giá thức ăn chiếm khoảng 70% chi phí chăn nuôi. Do đó, việc giá thức ăn tăng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận hoạt động chăn nuôi. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, giá thành nuôi heo của doanh nghiệp lớn khoảng 50.000 đồng/kg, trong khi nông hộ là trên 60.000 đồng/kg.  

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

 

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp) 

 

 

“Chúng ta cần phải cẩn thận. Các doanh nghiệp cần tăng cường dự trữ. Thông thường, tỷ lệ dự trữ nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi của các nước là trên 21%. Điều này vô cùng quan trọng vì nó đảm bảo ổn định giá thành hệ thống chăn nuôi  khi xảy ra khủng hoảng về giá”, ông Chinh cảnh báo.

Vị này nói thêm thời gian qua, một số tập đoàn chăn nuôi thường xuyên phải mua chung khối lượng hàng lớn để tiết kiệm chí phí nhằm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi.

“Tự chủ 100% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là điều không tưởng”

Thời gian qua, việc phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu khiến giá thức ăn thành phẩm trong nước bị ảnh hưởng lớn trước biến động giá của thế giới. Hiện tại, Việt Nam tự chủ được 40% nguyên liệu, còn lại 60% phụ thuộc vào nhập khẩu. 

Cũng đã có ý tưởng về việc xây dựng vùng nguyên liệu như ngô sinh khối, đậu tương, sắn ở khu vực Tây Nguyên bởi khu vực này có đất bazan. 

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó TGĐ Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết bản thân các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rất khó khăn vì giá nguyên liệu, logistics phi mã.

"Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương.

De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cho biết De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới. Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.

Tuy nhiên, ông Chinh cho biết việc phát triển vùng nguyên liệu ở vùng Tây Nguyên đang gặp khó khăn lớn trong việc gom đất để hình thành vùng trồng lớn. 

“Vấn đề lớn nhất là phải tích tụ đủ đất đai để hình thành cánh đồng mẫu lớn, từ đó cơ giới hoá, đồng bộ, đưa giống biến đổi gen thì mới cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Chứ nếu tiếp tục làm lẻ tẻ, theo kiểu 5 - 7 ha nho nhỏ như hiện tại không thể cạnh tranh được với nước ngoài. Chẳng hạn, Mỹ có tới 33 triệu ha đất để trồng ngô biến đổi gen với năng suất 11,5 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất ở Việt Nam chỉ 4,8 tấn/ha, rất khó để cạnh tranh”, ông Chinh nói. 

Mặc dù vậy, ông Chinh khẳng định không có nước nào trên thế giới có thể tự chủ 100% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chỉ khác nhau về tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu là bao nhiêu. 

“Tôi xin khẳng định Việt Nam không thể nào không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều đó là không tưởng. Tại sao một đất nước nông nghiệp, một năm xuất khẩu gần 50 tỷ USD nông sản mà không sản xuất được nguyên liệu thức ăn chăn nuôi? Một bài toán rất đơn giản, cái gì mà có lợi thế thì sản xuất, không nên đua để tự túc 100%. Chúng ta có kinh nghiệm sản xuất gạo nhưng với ngô và đậu tương thì không. Chúng ta không thể cạnh tranh 2 sản phẩm này”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói. 

H.Mĩ