|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Giá thức ăn chăn nuôi có thể giảm 800 đồng/kg nếu tăng sử dụng nguyên liệu trong nước

07:40 | 29/06/2022
Chia sẻ
Bộ NN&PTNT sẽ kết hợp với tập đoàn De Heus để nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu trong nước. Đồng thời, Bộ cũng chuyển một số diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trông nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Nếu thành công, trong tương lai giá thức ăn thành phẩm có thể giảm 500 - 800 đồng/kg.

Trao đổi bên lề hội nghị sơ kêt 6 tháng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết nhằm hạ giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, Bộ đã đi khảo sát, đánh giá tất cả loại nguyên liệu có thể dùng làm nguyên liệu trong nước và có phần mềm tính toán tỷ lệ sao cho hợp lý. 

Về dài hơi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chuyển diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. 

Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang phải phụ thuộc tới 60% vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này dẫn đến giá thức thành phẩm trong nước liên tục tăng cao thời gian qua khi giá ngô, đậu tương và lúa mì thế giới tăng gấp nhiều lần chỉ trong vòng 1 năm do ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng và xung đột Nga - Ukraine.

"Chúng tôi sẽ kết hợp với tập đoàn De Heus để nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ kết hợp với tập đoàn CJ để nghiên cứu giảm tỷ trọng ngô trong thức ăn chăn chăn nuôi. Đây cũng là cách để giảm giá thành sản xuất nhằm hạ giá bán", ông Tiến nói. 

Theo ông Tiến, dự kiến, giá thức ăn chăn nuôi có thể giảm 500 - 800 đồng/kg nếu tăng sử dụng nguyên liệu trong nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: H.Mĩ)

Trước đó, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới. Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.

Tuy nhiên, việc chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đòi hỏi nhiều thời gian mà theo Cục Chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo nguồn nguyên liệu thức ăn tinh trong nước sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo đó, hiện nay, nước ta còn một số phụ phẩm như bã bia, bã dứa, vỏ điều, vỏ cà phê,… đã được tận dụng chế biến làm thức ăn chăn nuôi nhưng chưa hiệu quả vì số lượng còn ít, công nghệ còn lạc hậu. 

Trong ngắn hạn, một số doanh nghiệp đề xuất tiếp tục giảm thuế nhập khẩu để giảm áp lực chi phí sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát cho biết công ty đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và chi phí chế phẩm an toàn sinh học hiện nay tăng cao.

Để giảm bớt gánh nặng chi phí, ông Khánh kiến nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

"Hiện nay chúng tôi có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Mặc dù thuế cũng hạ rồi nhưng trong bối cảnh giá nhập khẩu cao như vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục xem xét đề xuất giảm thuế nhập khẩu ở mức tốt hơn", ông Khánh cho nói. 

Trước đó,  hồi cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã giảm thuế tối huệ quốc (MFN) đối với lúa mì từ 3% xuống còn 0% và ngô từ 5% xuống 2% nhằm giảm gánh nặng chi phi đầu vào.

H.Mĩ