BSC: Nâng hạng và KRX là động lực năm 2024, VN-Index vượt 1.400 điểm ở kịch bản tích cực
Báo cáo chiến lược 2024 của Chứng khoán BIDV (BSC), kinh tế thế giới 2023 phải đối diện với những thách thức như tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm bởi chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột địa chính trị… Nhu cầu tiêu dùng tại các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… giảm kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu Việt Nam giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế.
Sang năm 2024, môi trường kinh doanh quốc tế thuận lợi hơn nhờ lạm phát toàn cầu nhìn chung đã hạ nhiệt, mở đường cho các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ. Các tổ chức quốc tế dự báo sẽ có 152 đợt giảm lãi suất trong năm 2024, cao nhất kể từ 2009. Động lực tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 kỳ vọng đến từ cầu khối xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư công, du lịch...
Năm 2024 cũng là năm cần có sự bứt phá mạnh mẽ để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ sự tập trung cao độ để hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội.
Theo BSC, phục hồi từ mức thấp trong năm 2022, diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2023 vẫn nằm ngoài dự báo của nhiều nhà đầu tư. Mặt bằng lãi suất thấp vẫn là yếu tố nâng đỡ chính của thị trường. Dù vậy khối ngoại bán ròng và tăng trưởng lợi nhuận không như kỳ vọng là yếu tố khiến cho thị trường có những đợt điều chỉnh mạnh.
Điểm tích cực trong 2023 nằm ở các chính sách minh bạch thị trường. Ngành chứng khoán làm sạch số liệu tài khoản nhà đầu tư trước khi thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia và mạnh tay hơn với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Câu chuyện nâng hạng thị trường và KRX sẽ là yếu tố kỳ vọng và động lực tăng trưởng TTCK năm 2024.
Về kinh tế vĩ mô năm 2024, BSC dự báo tăng trưởng GDP theo 2 kịch bản: 5,8% và 6,3% cho năm 2024. CPI ở mức 3,5% và 3,02% năm 2023. Lãi suất điều hành 2 kịch bản ở mức 4,5% và 4% trong năm 2023. Tỷ giá USD/VND ổn định, dao động từ 23.577 - 23.832 trong năm tới. Cung tiền M2 và tăng trưởng tín dụng ước lần lượt 10%, 13% và 13% và 15%.
Về TTCK năm 2024, VN-Index dự kiến duy trì xu hướng hồi phục nhờ 4 yếu tố chính: kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh doanh nghiệp qua đáy và bước vào chu kỳ tăng trưởng tích cực; môi trường lãi suất thấp duy trì; nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động chính và hệ thống KRX triển khai sẽ hỗ trợ giao dịch, cải thiện thanh khoản thị trường và tín hiệu lạc quan về khả năng nâng hạng từ FTSE.
VN-Index dự báo tăng 6% lên mức 1.200 điểm theo kịch bản 1 và tăng 20,3% lên vùng 1,425 điểm theo kịch bản 2 (kịch bản cơ sở là 1.298 điểm).
Về các chủ đề lưu ý đầu tư trong năm 2024, các ngành vật liệu xây dựng, thủy sản, tiện ích, bán lẻ, dệt may, hóa chất, sắm lốp dự kiến có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2024. Nhóm phân tích đưa ra 4 chủ đề theo dõi đầu tư trong năm nay: Dòng vốn FDI tăng trưởng với nhóm khu công nghiệp (PHR, SZC), logistic; đầu tư công (LCG); điện (PC1, TV2, POW); xuất khẩu hồi phục: dệt may (TNG), thủy sản (VHC); và định giá hợp lý: ngân hàng (TCB, STB), cổ phiếu khác (HSG, NLG, PNJ, MWG…).