|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Liệu cổ phiếu chứng khoán còn dư địa sau khi tăng mạnh nhất thị trường năm 2023?

06:55 | 10/01/2024
Chia sẻ
Cổ phiếu ngành chứng khoán nằm trong số nhóm ngành tăng tốt nhất năm 2023. Các đơn vị đang đứng trước cơ hội phát triển kinh doanh năm 2024 khi thị trường được kỳ vọng diễn biến lạc quan nhờ loạt yếu tố, bao gồm câu chuyện nâng hạng. Liệu cổ phiếu ngành chứng khoán sẽ một lần nữa "đón sóng"?

Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, lãi suất thấp là các yếu tố hỗ trợ chính cho TTCK 2024

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư đầu năm 2024, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối Chứng khoán của Dragon Capital, nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) năm nay có nhiều thuận lợi hơn trước, từ chính sách tiền tệ, sự ổn định về vĩ mô đến động lực tăng trưởng. Thị trường đã hội tụ gần đủ các yếu tố để tăng trưởng, chỉ chờ yếu tố tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Vị chuyên gia dự báo nếu lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi khoảng 20%, TTCK khả năng cao có đợt tăng 30%.

Về chính sách tiền tệ, lãi suất cho vay và huy động dự kiến ở mức thấp hơn giai đoạn COVID-19 và trong ngưỡng thấp kỷ lục là chỉ báo quan trọng. Dragon Capital kỳ vọng lãi suất sẽ còn thêm một nhịp giảm, khoảng 50 điểm phần trăm trong vài tháng tới. Cơ sở cho dự báo trên là dư địa để điều chỉnh vẫn còn khi lãi suất điều hành đang ở mức cao hơn lạm phát và trong thời gian tới câu chuyện tăng trưởng nền kinh tế mới đáng quan tâm hơn.

"Trong môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng như thế, chúng ta không nên kỳ vọng vào những cú rớt mạnh 10-15% của thị trường chứng khoán", ông Tuấn chia sẻ.

Câu chuyện nâng hạng dần sáng tỏ

Ngoài những yếu tố thông thường, các thành viên TTCK đang kỳ vọng một sự kiện mang tính đột phá là nâng hạng. "Tấm vé" lên thị trường mới nổi (EM) đang dần thấy rõ hơn trong 2024 đối với phân loại của FTSE, và xa hơn là 2025 đối với MSCI.

Tại Talk Show Phố Tài Chính ngày 8/1, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết hai vấn đề chính đang cần tháo gỡ để nâng hạng là quy định về tỷ lệ ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding) và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Cả hai đều đang được phía UBCKNN rà soát, báo cáo các bộ ngành liên quan.

UBCKNN cũng đang rà soát, sửa nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán để yêu cầu các tổ chức niêm yết phải tự rà soát, đăng ký tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, thay vì làm riêng lẻ như hiện nay; sửa thông tư về công bố thông tin, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp quy mô lớn phải công bố bằng tiếng Anh.

Đồng thời, năm 2024, UBCKNN dự kiến sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản và tiếp tục làm việc với các tổ chức quốc tế để chia sẻ các giải pháp để nâng hạng Việt Nam.

Chia sẻ tại một hội thảo đầu tư vào giữa 12/2023 , ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dự báo thời điểm TTCK Việt Nam có khả năng được FTSE nâng hạng sẽ vào khoảng tháng 9/2024. Ông Minh chỉ ra, thông thường các thị trường trên thế giới sẽ phản ứng theo hướng tích cực vài tháng trước khi nhận công bố chính thức được nâng hạng. Do đó, dự báo tín hiệu khả quan của TTCK Việt Nam với câu chuyện nâng hạng (nếu có) sẽ đến vào giai đoạn nửa cuối năm.

Báo cáo chiến lược 2024 của FIDT, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), việc nâng hạng thị trường dự kiến sẽ thu hút dòng vốn ngoại ròng khoảng 7,2 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam. Đây là động lực tăng trưởng rất lớn cho kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng trong trung và dài hạn.

Mảng môi giới và cho vay margin hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận CTCK

Cũng theo FIDT, triển vọng của nhóm công ty chứng khoán (CTCK) trong 2024 chủ yếu đến từ kỳ vọng diễn biến chỉ số và thanh khoản tích cực hơn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, giúp kết quả kinh doanh khởi sắc ở cả hia mảng môi giới và tự doanh. Còn trong trung và dài hạn, câu chuyện KRX và nâng hạng sẽ vẫn là tâm điểm chính. Nhóm phân tích FIDT lưu ý SSI, HCM, VCI và VND khi đây là nhóm cổ phiếu những doanh nghiệp đầu ngành, có thế mạnh riêng vượt hơn so với mặt bằng chung.

FIDT kỳ vọng chỉ số và thanh khoản năm 2024 sẽ tiếp tục cải thiện nhờ 4 yếu tố: kỳ vọng thẩm thấu chính sách hỗ trợ vào nền kinh tế; lãi suất ở vùng thấp trong lịch sử; áp lực tỷ giá gần như không còn; tăng trưởng EPS từ mức nền thấp ở một loạt nhóm ngành.

“Thanh khoản hồi phục sẽ có lợi rất lớn cho mảng môi giới và cho vay ký quỹ (margin) khi số lượng nhà đầu tư cũng như nhu cầu sử dụng đòn bẩy tăng trở lại. Trong khi chỉ số hồi phục từ mức định giá rẻ sẽ giúp danh mục tự doanh khởi sắc, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh của các CTCK. Kỳ vọng này cũng phần nào được củng cố thông qua động thái sôi động trở lại trong cuộc đua tăng vốn vào cuối năm của nhiều doanh nghiệp trong ngành (dẫn đầu bởi SSI, HSC, ACBS hay VNDirect).”, báo cáo của FIDT nêu.

 Nguồn: FIDT (dữ liệu đến 23/12/2023).

Cùng với mảng tự doanh, báo cáo chiến lược của Chứng khoán TPS chỉ ra cho vay margin là hoạt động có đóng góp lớn trong hoạt động của các công ty môi giới chứng khoán với tỷ trọng 40,9% trên tổng lợi nhuận gộp, tại quý III/2023.

Tuy nhiên, trái với đà tăng tốt ở doanh thu, biên lợi nhuận gộp của hoạt động cho vay tiếp tục thu hẹp khi các CTCK đang sử dụng chiến lược cạnh tranh về lãi vay để thúc đẩy nhu cầu đầu tư sau khi thị trường trải qua năm 2022 đầy biến động. Cụ thể, một số công ty đã đưa ra các gói vay thời gian ngắn với lãi suất bằng 0% hoặc các chính sách giảm lãi vay, từ đó khiến cho lợi nhuận không có sự cải thiện tương xứng.

Điểm tích cực là dư địa của hoạt động cho vay vẫn còn khá lớn khi tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu của ngành này chỉ đạt 0,8 lần, còn cách xa ngưỡng quy định (2 lần). Chi tiết hơn, các CTCK có vốn hóa lớn vẫn duy trì tốt tỷ lệ này mặc cho dư nợ đã tăng cao trong quý III/2023, trái ngược với diễn biến tại nhóm có vốn hóa nhỏ hơn.

 Nguồn: TPS.

TPS chỉ ra hàng loạt đơn vị đã thành công tăng vốn trong thời gian 1 năm qua như: Chứng khoán VPBank, VPS, TCBS, MBS… Câu chuyện tăng vốn sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp đã được thông qua phương án phát hành.

Cũng có góc nhìn lạc quan, theo phân tích ngày 9/1 của ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, VN-Index có thể tăng trưởng 10-15% trong năm 2024. Dự báo này được hỗ trợ bởi mức tăng 18% của nhóm cổ phiếu ngân hàng (chiếm 37% của VN-Index) và mức tăng 32% của nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng (chiếm 14% của VN-Index), thể hiện kỳ vọng (của VinaCapital) về mức tăng trưởng cao hơn của nhu cầu tiêu thụ trong nước và tín dụng trong năm nay.

Riêng CTCK, Ông Michael Kokalari kỳ vọng lợi nhuận của nhóm này sẽ tăng trưởng từ mức tăng 14% trong năm 2023 lên 38% trong năm 2024 bởi lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ giao dịch ký quỹ nhiều hơn và các hoạt động ngân hàng đầu tư bị hoãn vào năm 2023 có khả năng sẽ được tiếp tục trong năm nay.

Định giá của đơn vị niêm yết đang cao hơn trung bình 5 năm

Về mặt định giá, P/B hiện tại của nhóm cổ phiếu chứng khoán niêm yết đang cao hơn mức trung bình 5 năm gần nhất. Theo quan điểm của TPS, hiện tại các công ty đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất đồng thời kết quả kinh doanh có thể đã tạo đáy ở quý I/2023. Cùng với đó, triển vọng của thị trường ở năm 2024 được dự báo sẽ tích cực hơn.

Do đó, TPS khuyến nghị các cổ phiếu có mức định giá theo P/B chưa tăng quá nhiều so với trung bình 5 năm gần nhất, thị phần thuộc nhóm dẫn đầu và dư địa mở rộng hoạt động cho vay sẽ là cơ hội đầu tư trong thời gian tới.

Trong khi đó, yếu tố rủi ro cho tăng trưởng của CTCK năm nay có thể đến từ: sự cạnh tranh ngày càng tăng; chất lượng tư vấn và niềm tin của nhà đầu tư; rủi ro danh mục đầu tư; hoạt động tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu trì trệ. 

 Nguồn: TPS. (Ghi chú: STD - độ lệch chuẩn).

Xuân Nghĩa