|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bộ trưởng Tài chính Mỹ phát tín hiệu đáng mừng: Khả năng suy thoái đang giảm dần

07:51 | 23/06/2023
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận thấy nguy cơ nước này rơi vào suy thoái đang giảm dần và cho rằng việc chi tiêu của người tiêu dùng suy giảm có thể là cái giá phải trả để kết thúc chiến dịch chống lạm phát.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: Bloomberg).

Xác suất suy thoái

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái đã giảm.

Cụ thể, bà nói: “Tôi nghĩ [xác suất xảy ra suy thoái kinh tế] đã giảm xuống, hãy nhìn vào sự bền bỉ của thị trường lao động và xu hướng hạ nhiệt của lạm phát mà xem”.

“Tôi sẽ không nói rằng suy thoái không phải một rủi ro của chúng ta, bởi vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang thắt chặt chính sách”, vị bộ trưởng lưu ý.

Kể từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, tạm dừng vào tháng 6 nhưng phát tín hiệu sẽ có thêm các đợt tăng khác trong năm 2023.

 

Bà Yellen đưa ra đánh giá mới nhất về nền kinh tế Mỹ sau khi báo cáo việc làm tháng 5 cho thấy mức tăng việc làm vượt dự báo của tất cả các nhà kinh tế. 

Cụ thể, báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 339.000 việc làm trong tháng 5, cao hơn ước tính 190.000 của Dow Jones và đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp tăng trưởng tích cực.

Mức tăng việc làm của tháng 5 gần như tương quan với mức tăng trung bình 12 tháng là 341.000. Lĩnh vực kinh doanh và các ngành nghề cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp dẫn đầu khi tạo 64.000 việc làm mới.

Chính phủ cũng giúp tăng số lượng việc làm khi tuyển dụng tổng cộng 56.000 người trong tháng 5. Lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đóng góp thêm 52.000 việc làm.

Những ngành nghề ghi nhận mức tăng đáng chú ý khác bao gồm giải trí và khách sạn (48.000 việc làm), xây dựng (25.000) và vận tải kho bãi (24.000).

Hoạt động xây dựng nhà ở và doanh số bán lẻ tháng trước cũng cho thấy khả năng tăng trưởng đáng kinh ngạc, bất chấp chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Fed.

 

Chi tiêu chậm lại

Cũng trong cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Yellen nhận định, chi tiêu của người tiêu dùng suy giảm có thể là cái giá phải trả để kết thúc chiến dịch chống lạm phát của ngân hàng trung ương.

“Có lẽ chúng ta cần khiến chi tiêu tiêu dùng chững lại để đưa lạm phát về tầm kiểm soát”, bà nói. Theo vị bộ trưởng, lạm phát lõi (không tính giá lương thực và năng lượng) vẫn “còn khá cao”.

Lạm phát lõi tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 5,3% vào tháng 5. Trong khi đó, lạm phát toàn phần đạt 4%, giảm mạnh so với mức đỉnh 9,1% thiết lập vào tháng 6 năm ngoái.

 

Giá năng lượng giảm 3,6% đã giúp kiểm soát phần nào đà tăng của chỉ số CPI trong tháng 5. Trong khi đó, giá thực phẩm chỉ tăng 0,2%.

Song, mức tăng 0,6% của chi phí nhà ở là yếu tố đóng góp lớn nhất vào đà tăng chung của CPI. Các chi phí liên quan đến nhà ở chiếm khoảng một phần ba trọng số của chỉ số này.

“Lạm phát thực sự đã hạ nhiệt rất nhiều và sẽ còn nhiều hơn thế nữa [trong tương lai]”, bà Yellen dự đoán, một phần do thị trường nhà đất được kỳ vọng sẽ có sự điều chỉnh.

Cuộc tranh luận 2%

Gần đây, một số nhà kinh tế cho rằng Fed nên nâng mục tiêu lạm phát từ mức 2% hiện tại. Chia sẻ về vấn đề này, bà Yellen nói cuộc thảo luận này là không phù hợp ở thời điểm các nhà hoạch định chính sách đang chiến đấu để hạ gục áp lực giá.

 “Chúng ta có thể có một cuộc tranh luận thú vị về mục tiêu lạm phát, nhưng đây không phải thời điểm thích hợp”, bà bày tỏ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng thay đổi mục tiêu 2%. Lập trường này đã được ông thể hiện lại lần nữa trong cuộc điều trần mới nhất trước Quốc hội Mỹ.

Khả Nhân