|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Biến số giá điện gây sức ép lên lạm phát

10:00 | 08/05/2024
Chia sẻ
Điện là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Khi tăng giá dù nhỏ những sẽ có tác động nhất định đến nguồn thu nhập, chi tiêu của người dân và chi phí tăng thêm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: GSO).

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, gần cận dưới của mục tiêu lạm phát cả năm khoảng 4% - 4,5%. Song từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát có thể sẽ gia tăng khi phải chịu tác động bởi nhiều yếu tố.

Thứ nhất, giá điện tăng. Theo Quyết định số 05 của Chính phủ, kể từ ngày 15/5, giá điện được xét thay đổi 3 tháng 1 lần khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên. Trong khi mùa hè năm nay khả năng sẽ có nhiều đợt nắng nóng và cường độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng điện.

Như vậy, nhu cầu sử dụng tăng cao cùng với tăng giá sẽ khiến không chỉ người dân mà doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều tiền hơn để chi trả cho tiền điện do Việt Nam đang áp dụng biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn và tiền điện sẽ phải trả nhiều hơn, sẽ tác động làm tăng giá thành sản phẩm và tác động trực tiếp tới giá điện tiêu dùng của hộ gia đình, từ đó tác động lên CPI.

Thứ hai, tỷ giá VND/USD vẫn tiếp tục chịu áp lực trong thời gian tới, do lạm phát Mỹ vẫn duy trì ở mức cao nên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về hạ lãi suất. Điều này có thể làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu của doanh nghiệp, từ đó tác động đến lạm phát trong nước.

Thứ ba, giá xăng dầu trong nước vẫn chịu áp lực từ giá thế giới. Đây là một yếu tố đã tác động rất mạnh đến chỉ số lạm phát trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 1,95% (làm CPI chung tăng 0,19 điểm %), chủ yếu do giá xăng trong nước tăng 4,78%; giá dầu diezen tăng 2,01% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

Các chuyên gia quốc tế dự báo giá dầu thô có thể lên tới 100 USD/thùng do những biến động địa chính trị ngày càng căng thẳng, khó lường, chắc chắn sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước và tác động mạnh đến chỉ số lạm phát trong những tháng cuối năm. Cộng hưởng với các yếu tố bên trong do việc điều chỉnh dịch vụ giáo dục, y tế và thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ tạo áp lực không nhỏ cho lạm phát.

Tuy vậy, tôi cho rằng với kinh nghiệm điều hành lạm phát của Chính phủ trong nhiều năm qua nước ta vẫn sẽ giữ được mục tiêu lạm phát 4%- 4,5% như mục tiêu đề ra.

Về áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang điều hành linh hoạt, bảo đảm tỷ giá lên xuống phù hợp trong biên độ tỷ giá từ 3% – 5%. Đặc biệt, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào, tới cuối 2023 khoảng 100 tỷ USD, trường hợp cần thiết, NHNN sẽ can thiệp để ổn định tỷ giá.

Về điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục, các bộ ngành, địa phương sẽ đánh giá tác động ở từng thời điểm để quyết định. Nếu lúc đó, áp lực lạm phát không đáng lo ngại thì có thể điều chỉnh tăng. Ngược lại, nếu áp lực lạm phát rất lớn và gần đến mức lạm phát mục tiêu thì chưa điều chỉnh.

Chúng ta cũng đã và đang đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm là những nhóm hàng thiết yếu của người dân (chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI), từ đó đảm bảo giá cả ổn định không tăng đột biến, ảnh hưởng đến lạm phát.

Hiện giá xăng dầu thế giới đã có tuần sụt giảm mạnh nhất trong ba tháng gần đây, giúp giảm bớt áp lực lạm phát trong nước.

Tuy nhiên, giá điện thì chưa hề giảm mà chắc chắn sẽ tăng. Đây là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Khi tăng giá dù nhỏ những sẽ có tác động nhất định đến nguồn thu nhập, chi tiêu của người dân và tăng thêm chi phí của doanh nghiệp.

Vì vậy, quá trình điều chỉnh giá điện cần có cơ chế giám sát, phải công khai minh bạch về chi phí giá thành, những yếu tố nào được tính vào giá điện, những yếu tố nào không được tính vào giá điện thì phải làm rõ.

Phải đảm bảo khi giá của từng loại nguyên vật liệu dùng trong sản xuất điện như than, khí hay xăng dầu tăng thì sẽ tăng giá điện; ngược lại, khi giá thành giảm thì giá điện cũng phải giảm đi theo -  đúng tinh thần có tăng có giảm và theo cơ chế thị trường.

Về đề xuất nâng mức lạm phát mục tiêu hiện nay (4% - 4,5%) lên mức cao hơn khoảng 5% (trong trường hợp cần thiết) để tạo dư địa cho chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng của một số chuyên gia tôi cho rằng chưa cần thiết.

Bởi trong vài ba năm trở lại đây, Chính phủ và Quốc hội đặt ra mức lạm phát mục tiêu từ 4% - 4,5%, mặc dù Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng thúc đẩy tăng trưởng, song lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu, điều này cho thấy mức lạm phát mục tiêu hiện nay không phải là yếu tố kìm hãm tăng trưởng. Vấn đề hiện nay là tổng cầu trong nước và thế giới phục hồi chậm và yếu, khu vực sản xuất kinh doanh chưa hấp thụ được chính sách tín dụng và tài khoá mở rộng.

TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Ngọc Bảo