‘Tính đúng, tính đủ’ kinh tế tư nhân

Mấy ngày vừa qua có một số bạn đã tranh luận với tôi về tỷ lệ đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP, bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), trong suốt 15 năm 2006 - 2020, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân chỉ quanh quẩn 9% - 10% GDP; đóng góp của kinh tế tập thể, kinh tế cá thể (hộ kinh doanh) rất lớn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong khối kinh tế tư nhân. Tôi cho rằng, đấy là thông tin cũ và lạc hậu rồi, bây giờ là năm 2024 - 2025 rồi, có phải 2006 hay 2019 đâu.
Có ý kiến nghi ngờ rằng: "Không thể chỉ trong vòng có mấy năm mà GDP của doanh nghiệp tư nhân lại tăng từ 10% lên 29,6%". Tuy nhiên, các bạn có biết, đợt tính lại GDP năm 2020, tổng GDP đã tăng thêm 25,4% không? Sau khi tăng thêm 25,4% tỷ lệ đóng góp vào GDP của các loại hình kinh tế đã khác xa với chính con số của GSO đã công bố trong giai đoạn 2006 - 2020.

Trong Niên giám thống kê 2019, kinh tế ngoài Nhà nước ước tính chiếm 42,68% GDP. (Nguồn: NGTK 2019, tr200).

Tại Niên Giám thống kê 2023, tỷ trọng đóng góp trong GDP của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước năm 2019 được điều chỉnh lên 50,55%. (Nguồn: NGTK 2023, tr245).
Tất nhiên số 25,4% tăng thêm mỗi năm không chia đều cho các thành phần kinh tế, mà chủ yếu thuộc về khối kinh tế tư nhân, bởi chính khối này mới có nhiều các hoạt động kinh tế chưa được quan sát, bị tính thiếu.
Ngay sau khi công bố GDP mới, GSO đã tính lại tỷ trọng đóng góp vào GDP của các thành phần kinh tế giai đoạn 2006 - 2020. Với tính toán lại, tỷ trọng năm 2019 được cập nhật: Doanh nghiệp nhà nước từ 27,06% giảm xuống 20,59%; Doanh nghiệp FDI từ 20,34% giảm xuống 19,91%; Khối kinh tế tư nhân từ 42,68% tăng lên 50,55%; Thuế sản phẩm – trợ cấp sản phẩm từ 9,9% xuống 8,95%.
Thứ hai, làm sao để ước lượng được đóng góp của doanh nghiệp tư nhân là 29,6%?
Tôi ước lượng như sau: Theo GDP khối nông lâm thủy sản đóng góp 11,89% vào GDP, vì vậy tối đa phần hợp tác xã (HTX) và hộ gia đình không thể vượt quá 11,89%. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, hải sản; chăn nuôi bò, lợn, gà; trồng và khai thác hạt điều, tiêu, cà phê, sầu riêng; trồng rừng và khai thác gỗ… chắc chắn có đóp góp không nhỏ, ước lượng cỡ 3,89%-4,89%, phần hộ gia đình nông nghiệp còn lại cỡ 7%-8%. Như vậy đóng góp vào GDP của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh phi nông nghiệp là 50,6% - 7% = 43,6%.
Với hộ kinh doanh phi nông nghiệp, theo số liệu của GSO khu vực này có 5,1 triệu hộ, 8,9 triệu lao động, còn doanh nghiệp có 9,05 triệu lao động. Năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân chắc chắn cao hơn năng suất lao động của hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Chẳng hạn năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân cao hơn 65% hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Từ đó tính ra doanh nghiệp tư nhân chiếm 27,32% GDP (62,66% của 43,6%) và hộ kinh doanh phi nông nghiệp chiếm 16,28% (37,34% của 43,6%).
Ngoài ra, qua thời gian số hộ kinh doanh và HTX giảm, chuyển sang thành lập doanh nghiệp tư nhân. HTX hiện còn có 163.101 lao động ~ 1,8% số lao động của doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước cũng giảm (do cổ phần hóa, do thoái vốn), từ đó dẫn đến tỷ trọng đóng góp vào GDP của doanh nghiệp tư nhân lại tăng thêm nữa.
Vậy tại sao chúng ta lại mất công tranh luận về vai trò của kinh tế tư nhân, của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI? Bởi vì chỉ có số liệu đúng, nhận định đúng vai trò của từng khu vực kinh tế thì mới có những chính sách phù hợp, mới làm ra chiến lược và kế hoạch kinh tế - xã hội sát với thực tiễn.
Tôi cho rằng, nếu tính đầy đủ, kinh tế tư nhân phải chiếm gần 60% GDP và việc tính đúng, tính đủ là rất cần thiết bởi “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Thời điểm này càng đặc biệt quan trọng bởi đây chính là thời điểm lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang tổng kết kế hoạch 5 năm 2020 - 2025 và xây dựng chiến lược kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm tiếp theo 2026 - 2030.
Theo Niên giám Thống kê 2023 của GSO, kinh tế tư nhân chiếm 50,46% GDP, kinh tế nhà nước chiếm 20,54 GDP, kinh tế FDI chiếm 20,45% GDP. Thế nhưng nếu tính lại GDP, tính đầy đủ hơn, tính thêm những hoạt động kinh tế chưa được quan sát thì GDP của Việt Nam phải tăng thêm cỡ 25% nữa, khi ấy kinh tế tư nhân sẽ tăng từ 50,46% lên gần 60%.
Vậy những hoạt động kinh doanh nào đang bị tính thiếu?
Đầu tiên là những hoạt động kinh doanh không được ghi nhận về sản lượng cũng như doanh thu, đó là kinh tế tự sản tự tiêu như tự chăn nuôi, trồng trọt, tự sản xuất và tiêu thụ nông sản, thuỷ sản, hải sản, thực phẩm, công cụ lao động, đồ dùng trong gia đình, quần áo, giày dép, tự trang điểm, làm đẹp cho cá nhân, tự làm các công việc sửa chữa, bảo dưỡng nhỏ trong gia đình.
Đó là các hoạt động kinh doanh không khai báo doanh thu. Chẳng hạn thợ xây, thợ điện nước, điều hoà, nội thất làm nhà hoặc sửa chữa nhà ở cho gia đình (khoản này khá lớn chứ không nhỏ); chẳng hạn mua bán trao tay ô tô, xe máy và các hàng hoá khác giữa cá nhân (hộ kinh doanh) với cá nhân; chẳng hạn mua bán online của các cá nhân, các shop nhỏ.
Thứ hai là các hoạt động kinh doanh chỉ khai báo một phần doanh thu. Rất nhiều các giao dịch mua bán chỉ khai báo giá mua bán bằng một phần nhỏ của giá mua bán thật (mua bán nhà, đất đai, mua bán ô tô, xe máy và các hàng hoá khác). Ngoài ra, còn có rất nhiều các giao dịch mua bán chỉ khai báo một phần các giao dịch, tức chỉ khai báo khi người mua muốn lấy hoá đơn thôi.
Không chỉ vậy, nhiều các hoạt động kinh doanh thực chất là ở Việt Nam cùa các doanh nghiệp Việt Nam nhưng phần lớn doanh thu, lợi nhuận được ghi nhận cho các quốc gia khác.
Nhìn vào bản chất các hoạt động kinh doanh bị tính thiếu ở trên, rõ ràng toàn nằm ở khu vực kinh tế tư nhân, còn khối kinh tế nhà nước, kinh tế FDI hầu như không tính thiếu.
Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Thống kê, trong đó qui định 5 năm sẽ đánh giá lại GDP một lần. Đợt đánh giá lại GDP năm 2019, GDP của Việt Nam đã tăng thêm 25,4%. Năm 2025 là đến thời điểm chúng ta phải tính lại GDP (đánh giá lại quy mô nền kinh tế). Theo ước tính của tôi thì rất có thể khi tính lại thì GDP của Việt Nam lại tăng thêm cỡ 20% nữa. Cơ sở cho ước tính này là năm 2024, trong khi GDP chỉ tăng trưởng có 7,02% thì thu ngân sách nhà nước tăng những 16,2%, chênh lệch 9%.
Điều này có nghĩa rằng ngành thuế mới chỉ bắt đầu nỗ lực thôi thì đã tìm ra 9% các hoạt động kinh tế chưa khai báo đầy đủ. Nếu GDP của Việt Nam tăng thêm 20% và cả 20% tăng thêm do tính thiếu này đều của khối kinh tế tư nhân thì khi ấy cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi như sau: kinh tế tư nhân chiếm 58,71%, kinh tế nhà nước 17,12%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 17,04%.
Với cơ cấu của nền kinh tế như thế này thì không thể nói kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào FDI được, khi mà họ chỉ đóng góp 17,04% vào GDP thôi. Đấy là chưa tính trong khu vực FDI có cả các doanh nghiệp liên doanh mà trong doanh nghiệp liên doanh thì có cả phần của Việt Nam hay trong doanh nghiệp FDI có phần nội địa hoá của các doanh nghiệp Việt Nam chứ không phải FDI làm ra tất.
Ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT