|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thí điểm phát triển kinh tế đêm tại 12 địa phương: Nên mời doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư

16:28 | 05/06/2024
Chia sẻ
Đại biểu Nguyễn Văn Thân đánh giá cao đề xuất phát triển thí điểm kinh tế đêm tại 12 tỉnh, thành song đại biểu cho rằng nên mời các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư, phát triển.

Trước thông tin về đề xuất thí điểm tổ hợp giải trí đêm ở 12 địa phương của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng tuy là chủ trương rất đúng đắn song một số vẫn tỏ ra lo ngại tính khả thi của hoạt động này.

Trong báo cáo gửi đại biểu, Bộ VH,TT&DL cho biết nhiều địa phương đã triển khai đề án phát triển kinh tế đêm, tập trung vào du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Một số sản phẩm du lịch đêm tiêu biểu đã ghi dấu ấn với du khách như: "Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học","Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm","Phố đêm du thuyền Hạ Long","Quận 1 - Sắc màu đêm".

Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa khác cũng thu hút du khách như biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại.

Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Tuy nhiên, Bộ trưởng VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng chính sách khuyến khích phát triển du lịch đêm vẫn còn thiếu sản phẩm du lịch đêm đơn điệu, chủ yếu diễn ra dưới hình thức khu phố đi bộ, mua sắm, ẩm thực, chợ đêm. Quy hoạch không gian riêng, nhận thức về phát triển du lịch đêm còn hạn chế và chưa có cơ chế đặc thù.

Vì vậy, Bộ VH,TT&DL dự định phát triển mô hình du lịch đêm theo kiểu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại 12 tỉnh, thành hướng đến nhóm khách lưu trú dài ngày, khả năng chi tiêu cao, sử dụng các sản phẩm chất lượng cao.

Bộ cũng đánh giá hiện nay du lịch Việt Nam thiếu các hoạt động vui chơi, tham quan, giải trí cho du khách, nhất là các hoạt động về đêm.

Khảo sát từ Tổng cục Du lịch cho thấy chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 chủ yếu là dành cho thuê phòng, ăn uống (chiếm 56 - 60%); mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi, chi phí bỏ ra chỉ bằng 7-10% tổng chuyến đi, trong khi con số này tại Malaysia, Thái Lan là 40 - 50%, thậm chí 70%.

Nên mời doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư

Đại biểu Nguyễn Văn Thân,  Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Truyền hình Quốc hội).

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Đại biểu Nguyễn Văn Thân,  Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng định hướng phát triển kinh tế ban đêm đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2020. Tuy hiệu quả có tăng lên nhưng chưa được như kỳ vọng và vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. 

Đại biểu Nguyễn Văn Thân khẳng định, đây là vấn đề rất quan trọng có thể đóng góp vào tăng trưởng GDP, vì vậy cần được quan tâm đúng mức.

Ông đề xuất, việc phát triển kinh tế ban đêm không nhất thiết phải Nhà nước làm mà có thể giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư và triển khai. "Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia đầu tư, phát triển. Nếu có thua thiệt thì họ chịu nhưng chắc chắn là tư nhân làm sẽ hiệu quả hơn", ông Thân nói.

Theo ông, việc thí điểm phát triển kinh tế tư nhân ở 12 tỉnh, thành là rất đúng đắn, sau đó cần phát triển lên nhân rộng ra nhiều địa phương khác. 

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng du lịch đêm là hướng đi đúng đắn. Song đại biểu bày tỏ lo ngại các sản phẩm du lịch đêm hiện hiện đơn điệu, chưa đặc sắc để thu hút du khách. Thậm chí, loại hình này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Bà yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ quan điểm và giải pháp vấn đề này.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Phản hồi về vấn đề này, Bộ trưởng Hùng đánh giá đây là vấn đề mới và khó, không phải một lần là làm được bởi sản phẩm du lịch là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành. Để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, ông Hùng cho rằng các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định rõ địa điểm phát triển kinh tế đêm.

"Làm thế nào để vừa đảm bảo sự yên tĩnh cho người dân nghỉ ngơi lại vừa tổ chức các hoạt động cho du khách vui chơi", Bộ trưởng nêu vấn đề.

Thứ hai là, lực lượng lao động, không chỉ là nhân lực ngành du lịch và còn có lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự. Chính quyền cần có chính sách, chế độ cho những người tham gia như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự..

Thứ ba là phải nghiên cứu phát triển thị trường. Việc này tránh tình trạng "không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ", rất lãng phí. Một số địa phương phát triển kinh tế đêm nhưng không đúng thị hiếu du khách dẫn đến không được như kỳ vọng.

Bộ trưởng Hùng đồng tình với quan điểm của đại biểu Thân rằng nên cho phép các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư và cho biết "dựa trên quy hoạch, các địa phương có thể thu hút đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế".

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các địa phương cần phối hợp, Bộ định hướng, khuyến nghị phát triển một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Chẳng hạn, các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, đưa các gói sản phẩm du lịch phù hợp với ban đêm... Làm được những việc này, các sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã về địa phương để làm nhưng cũng khó chứ không phải dễ thực hiện. Bộ trưởng cho biết.

Hạ An