|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sức hút 'kinh tế đêm' của Malaysia

23:44 | 13/01/2024
Chia sẻ
Đối với các nước đang phát triển, "kinh tế đêm" không còn là cụm từ xa lạ. Cụm từ này được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra trong giai đoạn từ 18 giờ 00 hôm trước cho đến rạng sáng hôm sau.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Đối với các nước đang phát triển, "kinh tế đêm" không còn là cụm từ xa lạ. Cụm từ này được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra trong giai đoạn từ 18 giờ 00 hôm trước cho đến rạng sáng hôm sau. Chúng bao gồm các hoạt động về văn hóa, dịch vụ và kinh tế. Sự phát triển của "kinh tế đêm" mang tới nhiều lợi ích cho các nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch của các thành phố lớn.

Tại Malaysia, kinh tế đêm chủ yếu tập trung vào chợ đêm, phản ánh một phần văn hóa độc đáo của quốc gia này. Là một quốc gia Hồi giáo, những hoạt động như quán bar, sàn nhảy hoặc những tụ điểm ca múa nhạc về đêm dường như chỉ phục vụ một bộ phận người gốc Hoa (Trung Quốc) và Ấn Độ, chiếm khoảng 30% dân số.

Chợ đêm là là một mô hình kinh tế đặc biệt, là sự tiếp nối của hoạt động kinh tế ban ngày. Với đặc điểm văn hóa thích giao lưu, kết nối thông qua những món ăn truyền thông, thói quen đi chợ đêm của người dân Malaysia đã làm nên sức sống kinh tế, tăng cơ hội kinh doanh cho mô hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ở hầu hết các khu vực trung tâm, nơi tập trung dân cư đông đúc, của Malaysia các chợ đêm thường được tổ chức luân phiên. Ví dụ, ở khu phố thứ nhất, quận A chợ đêm tổ chức vào thứ hai hàng tuần thì khu phố thứ hai sẽ họp chợ vào thứ ba…

Từ 17 giờ 00 những tuyến phố trung tâm sẽ bị cấm đường để họp chợ, người dân vào chợ thường đi bộ và cùng nhau chia sẻ, thưởng thức hàng trăm loại thức ăn đồ uống khác nhau. Chợ sẽ họp đến tận đêm khuya. Ngoài những món ăn đường phố, tại chợ đêm còn bán rau xanh, hoa quả và quần áo, thậm chí rất nhiều hàng tạp phẩm giá bình dân.

Để quản lý 130 chợ đêm tại thủ đô Kuala Lumpur, họp từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần, Ủy ban Nhân dân thành phố (DBKL) đã thành lập một đội lực lượng đặc nhiệm khoảng 100 người, đảm bảo tuân thủ quy trình quản lý và cấp phép. Đội đặc nhiệm được chia về các quận và mỗi một nhóm gồm 7 người.

Mỗi một người dân đăng ký kinh doanh tại chợ đêm đều phải tuân thủ theo Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) và lực lượng đặc nhiệm sẽ giám sát bốn khía cạnh chính bao gồm: Quản lý, tuân thủ SOP (gồm vệ sinh an toàn thực phẩm và giá), giữ gìn vệ sinh môi trường và ổn định trật tự.

Theo quy định, chỉ có những người dân địa phương mới được cấp phép kinh doanh tại chợ đêm, người nước ngoài không được cấp phép và không được phép thuê lại cửa hàng của người dân địa phương trong chợ đêm để kinh doanh. Tuy nhiên, người nước ngoài kết hôn với người Malaysia và được bảo lãnh từ chồng hoặc vợ của họ thì có thể đăng ký kinh doanh.

Quy trình xin giấy phép kinh doanh mất tối đa 01 tháng với ba loại giấy phép: Giấy phép lao động, Giấy phép kinh doanh và giấy phép bảo vệ môi trường.

Trong hồ sơ xin giấy phép kinh doanh sẽ phải đề xuất rõ bán tại khu chợ nào và mặt hàng kinh doanh, phương tiện sử dụng trong chợ (xe tải, xe container hoặc xe thùng…). Khi được cấp phép, hộ đăng ký kinh doanh sẽ nhận được một ô bán hàng có diện tích khoảng 6m2 trong chợ.

Để làm đẹp cảnh quan thành phố và đưa chợ đêm trở thành một điểm nhấn văn hóa, kể từ đầu năm 2022, mỗi một đơn đăng ký kinh doanh khi được phê duyệt, sẽ được cấp miễn phí một mái che tiêu chuẩn có cùng kích thước và đồng màu trong mỗi một khu chợ (khu có mái che màu vàng, khu có mái che màu trắng…), bàn bán hàng và tạp dề.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Tiến sĩ Mohd Helmi Abdul Hamid, Giám đốc cơ quan An toàn thực phẩm Putrajaya, cho biết ngay từ khâu đăng ký kinh doanh tại chợ đêm nói chung hay kinh doanh nhà hàng nói riêng, người đăng ký kinh doanh đã phải tuân thủ quy định của chính quyền.

Theo đó, họ phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine Thypoid (Ty2) và mũi tiêm này phải tiêm nhắc lại hàng năm. Bên cạnh đó họ phải tuân thủ những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa gặp bất kỳ một rắc rối nào liên quan đến vấn đề này”.

Đề cập đến vấn đề giá hàng bày bán tại chợ đêm, Tiến sĩ Mohd Helmi cho biết, người bán hàng phải niêm yết công khai giá các mặt hàng tại quầy và việc kiểm soát gia được thực hiện thường xuyên với các hoạt động chung giữa lực lượng đặc nhiệm quản lý chợ phối hợp với Bộ Nội thương và Giá cả tiêu dùng.

Nếu lực lượng đặc nhiệm nhận được bất kỳ phản hồi nào của khách hàng phản ánh, về giá thì thương nhân sẽ bị phạt, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh.

Trong khi đó, ông Edmund Hong, trưởng nhóm đặc nhiệm tại khu chợ Taman Desa, cho biết ông và nhóm của mình phân chia thời gian đến sớm tại các khu chợ để hỗ trợ về vấn đề giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh bày bán hàng tại lòng đường.

Ông Hong chia sẻ: “Khi chợ kết thúc, chúng tôi đi thu tiền vệ sinh môi trường, mỗi ki-ốt 5RM. Sau khi thanh toán chi phi cho dọn dẹp, số tiền còn lại chính là lương của chúng tôi”.

Khu chợ Taman Dasa có 80 ki-ốt, nhưng có những khu chợ khác lớn hơn sẽ là 100-120 ki-ốt. Anh Bùi Trọng Vinh, quê ở Thái Nguyên sang Malaysia từ năm 2011 và kết hôn với chị Toh Chong Pei, người Mã gốc Hoa.

Gia đình anh Vinh tham gia 5 buổi bán hàng chợ đêm/tuần, buổi thì bán rau tươi, buổi thì bán đồ ăn Việt. Chị Pei trở thành gương mặt thân quen với món ăn Việt tại chợ Taman Desa với nem rán, gỏi cuốn tôm thịt và bánh cuốn.

Ở những chợ lớn, hơn 100 ki-ốt, mỗi buổi chợ chị Pei bán được 1.200-1500 RM (6 triệu -7,5 triệu VND) tiền bán hàng mỗi ngày. Với chị, cuộc sống như vậy là đầy đủ và hạnh phúc.

Công việc khiến anh chị bận rộn cả ngày từ khâu chuẩn bị đến chế biến rồi mang ra chợ bán. Đứng cạnh chiếc bếp rán nem nóng ran, trán đầy mồ hôi, nhưng chị Pei vẫn tươi cười khi nhìn thấy khách hàng xếp hàng chờ nem chín.

Chị cho biết, người Hoa ở khu phố này rất thích nem rán, họ nói món này thành phần có nhiều rau xanh, rất ngon. Mỗi buổi chợ như vậy, món nem rán bao giờ cũng hết hàng đầu tiên và chị thường bán được 100 cái/ngày.

Sống tại Penang từ năm 2006, chị Nguyễn Thị Hà đã kết hôn với một người Mã gốc Hoa tại đây. Chị Hà đang bán thực phẩm Việt tại chợ đêm. Giò chả, bánh chưng là thế mạnh của chị. Chị cho biết, thuế thu nhập của chợ đêm chỉ ở mức 60 ringgit/năm (300.000 VND).

Chính quyền Malaysia khuyến khích phát triển kinh tế theo mô hình siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên họ rất tạo điều kiện. Nếu cần vay vốn, ngân hàng cho vay với lãi suất rất thấp, chỉ khoảng 1,5-1,75%.

Chị cũng mạnh dạn đầu tư cho ki-ốt của mình. Sau 5 năm chăm chỉ làm ăn, giờ chị Hà cũng đã mua riêng cho mình một chiếc ô tô kha khá để chủ động đi chợ và không phải phụ thuộc vào chồng.

Theo thống kê, chợ đêm tại Malaysia đã tạo ra hàng nghìn việc làm mỗi năm. Mặc dù chiếm một tỷ trọng không lớn trong GDP, song mô hình "kinh tế đêm" này tạo ra thu nhập ổn định cho người dân.

Kể từ năm 2022, Malaysia đã chủ trương xây dựng và chuyển đổi 50 chợ đêm tiêu biểu và đưa những chợ này trở thành một điểm đến du lịch trên khắp Malaysia. Ngân sách đầu tư cho dự án này lên đến 25 triệu ringgit (5,3 triệu USD).

Hằng Linh