|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thu thuế trên lãi tiết kiệm: Nên hay không nên?

16:57 | 19/02/2025
Chia sẻ
Nếu chưa thu thuế với căn nhà thứ hai, thứ ba mà lại thu thuế trên tiền lãi tiết kiệm thì chưa hợp lý.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển.

Mới đây, lại xuất hiện ý kiến đề xuất mở rộng diện đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với khoản lãi tiền tiết kiệm, chỉ miễn thuế TNCN với các khoản tiền gửi tiết kiệm nhỏ.

Nếu nói rằng chính sách thu thuế trên khoản lãi tiền gửi có hợp lý trong giai đoạn này tại Việt Nam chưa thì tôi xin trả lời chắc chắn là chưa.

Bởi vì tiền gửi vào ngân hàng vẫn được gọi là "tiền gửi tiết kiệm". Chữ "tiết kiệm" ở đây hiểu rằng là dạng tài sản để dành, "bỏ ống" chứ không phải là một khoản đầu tư. Như vậy, thứ nhất đây là cái mà Nhà nước khuyến khích. Chính vì lý do khuyến khích tiết kiệm đó mà Nhà nước mới miễn thuế.

Thứ hai, đó không phải là mức độ sinh lời để mà chúng ta xem nó như một khoản thu nhập thu thuế. Có thể thấy gửi tiền ngân hàng là khoản có mức sinh lãi thấp nhất thị trường và mang tính chất bảo vệ sự mất giá của đồng tiền, chống lại lạm phát hơn là đầu tư.

Mức lãi suất này không phải là mức lãi suất để kỳ vọng sự sinh lời, nếu muốn sinh lời thì các cá nhân gửi tiền đã đi đầu tư vào các kênh như BĐS, chứng khoán, kinh doanh buôn bán,... 

Những người cầm tiền đi gửi tiết kiệm họ chỉ muốn bảo vệ đồng tiền của mình.

Mặt khác, nhờ có những người gửi tiền, ngân hàng mới có nguồn tiền lãi suất thấp để cho vay, từ đó mới bơm vốn ra các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư khác.

Hai vấn đề phát sinh

Bây giờ, hãy giả sử nếu như thu thuế như vậy, đồng nghĩa việc gửi tiền đã không còn ý nghĩa là tiết kiệm. Khi đó, sẽ có hai vấn đề phát sinh:

Thứ nhất, tiền sẽ bị rút ra khỏi ngân hàng và đem đi đầu tư các kênh rủi ro hơn. 

Người dân có thể thấy đi gửi tiền bị thiệt quá, do gửi tiền ngân hàng lãi suất thấp rồi mà lại bị thu thuế nữa, họ sẽ rút tiền ra và đầu tư vào các kênh khác và nếu rót vào bất động sản (BĐS) thì càng nguy hiểm.

Chúng ta thấy rằng, BĐS chỉ là kênh cho đầu tư để sinh lời hoặc mua nhà để ở, còn bây giờ bản thân những người gửi tiền họ cũng không thực sự có các nhu cầu này mà lại bỏ tiền vào đó thì sẽ tạo ra một thị trường không lành mạnh trong đầu tư BĐS.

Hoặc họ nhảy ra làm ăn hoặc góp vốn kinh doanh thì có thể dễ thất bại khi những người không chuyên cũng ra làm ăn.

Về phía ngân hàng, sẽ xảy ra tình trạng không có tiền hoặc không đủ tiền để cho vay. Khi đó, lãi suất cho vay có thể sẽ bị đẩy lên, tác động tới doanh nghiệp. 

Hệ luỵ thứ hai là những người đã chọn kênh gửi tiền tiết kiệm không phải là người muốn làm ăn, kinh doanh. Nếu bị đánh thuế, họ sẽ có xu hướng nắm giữ một số tài sản khác như vàng, USD thay vì gửi ngân hàng. Điều đó dẫn đến tình trạng là ngân hàng thiếu vốn để cho vay ra bên ngoài trong khi thị trường vàng và USD lại bất ổn hơn khi nhu cầu tăng cao.

Những chuyện như vậy đều không tốt.

Đánh thuế tiền lãi có giúp tăng đầu tư tư nhân?

Có quan điểm cho rằng việc thu thuế này sẽ góp phần làm tăng đầu tư tư nhân của nền kinh tế. Theo tôi suy nghĩ này rất nguy hiểm.

Đối với các kênh đầu tư như BĐS, chứng khoán trước hết nó phù hợp với những người thích đầu tư, họ chọn lựa các kênh đầu tư với các mức rủi ro tương ứng để sinh lời và không phải ai cũng chấp nhận được điều đó. Lấy ví dụ như các cán bộ hưu trí họ có tiền nhưng không hề muốn đầu tư và đối mặt với rủi ro. Do đó, việc khuyến khích, lôi kéo đầu tư như vậy rất nguy hiểm.

Như tôi đã đề cập ở trên, khi khuyến khích đầu tư như vậy thì những người không chuyên cũng đi ra làm kinh doanh trong khi ngân hàng lại không có tiền để cho những người chuyên nghiệp hơn vay.

Những người đã lựa chọn gửi tiền mà bị đánh thuế sẽ dễ chuyển qua giữ vàng và USD. Tưởng là nguồn vốn sẽ vào đầu tư nhưng thực chất lại không vào.

Nói chung, khi áp dụng một chính sách thuế cần phải đánh giá xem có phù hợp với mục đích, chiến lược của giai đoạn đó hay không. Nếu áp dụng thì phải đảm bảo được tính hợp lý, công bằng với người nộp thuế.

Nói về ý nghĩa, đánh thuế thu nhập cá nhân là nhằm phân phối lại thu nhập của người dân. Thu thuế của những người có thu nhập cao để lấy vốn để lo cho an sinh xã hội, những người có thu nhập thấp.

Khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, việc thu thuế thu nhập là hợp lý. Tuy nhiên, khi áp dụng vì nhiều lý do mà chúng ta chưa áp dụng trọn vẹn. Ví dụ như Nhà nước thu thuế chính ở những người làm công ăn lương, còn một số nhóm như ca sĩ, diễn viên,... thì chưa có đủ cơ chế giám sát để thực hiện, vẫn còn bị bỏ sót.

Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự công bằng với người nộp thuế. Nếu những người thu nhập cao mà chỉ dùng để dành (gửi tiết kiệm) thì thu thuế vẫn hợp lý nhưng nhiều người thu nhập cao nhưng chi tiêu của họ cũng ở mức cao. Trong mức sinh hoạt chi tiêu đó thì họ có nộp thuế VAT, nên cân nhắc được phép bù trừ thuế từ tiêu dùng, cho phép trừ phần đã nộp trước.

Khi nói tại sao một số nước trên thế giới áp dụng mà Việt Nam chưa áp dụng thì cũng cần phải hiểu rõ rằng có một số chính sách có lợi cho người dân mà thế giới đã áp dụng nhưng Việt Nam thì chưa, như tại Mỹ khi nộp thuế TNCN người dân sẽ được trừ phần VAT mua hàng,...Nên không phải cái gì thế giới họ áp dụng mình cũng nên áp dụng. 

Trong giai đoạn chưa thể thực hiện đảm bảo được tính hợp lý và công bằng, thì theo tôi Nhà nước chỉ nên tăng thu thuế từng bước hợp lý như thu thuế với các cá nhân sở hữu BĐS, cần đánh thuế căn nhà thứ hai, thứ ba.

Nếu mà chưa thu thuế với căn nhà thứ hai, thứ ba mà lại thu thuế lãi tiết kiệm thì chưa hợp lý.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển