|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu Bộ trưởng Larry Summers: CPI tăng nóng, có thể Fed sẽ nâng lãi suất trở lại

07:46 | 11/04/2024
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton khuyên nhà đầu tư nên cẩn trọng với rủi ro Fed tăng lãi suất sau báo cáo CPI tháng 3.

 

Ông Larry Summers hiện là giáo sư Đại học Harvard. (Ảnh: Getty Images).

Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers cho biết sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 nóng hổi, các nhà đầu tư nên nghiêm túc đánh giá khả năng động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là tăng lãi suất.

“Các bạn phải xem xét nghiêm túc khả năng Fed kéo lãi suất đi lên thay vì đi xuống”, ông Summers chia sẻ trên Bloomberg Television vào ngày 10/4. Ông cho biết xác suất ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất là 15 - 25%.

Vị cựu bộ trưởng đưa ra nhận định sau khi dữ liệu mới cho thấy CPI toàn phần và CPI lõi đều tăng vượt dự báo của các nhà kinh tế trong tháng 3.

Cụ thể, CPI tháng 3 tăng 0,4% so với tháng trước và 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự đoán CPI tăng lần lượt 0,3% và 3,4%. 

Không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng 0,4% so với tháng 2 và 3,8% so với một năm trước. Ước tính của các nhà kinh tế lần lượt là 0,3% và 3,7%.

Chi phí nhà ở và năng lượng là hai yếu tố khiến CPI tăng mạnh hơn dự báo. Theo đó, giá năng lượng tăng 1,1% trong tháng 3 sau khi đi lên 2,3% vào tháng 2. Chi phí nhà ở nhích 0,4% so với tháng 2 và 5,7% so với cùng kỳ.

 

Các nhà hoạch định chính sách tại Fed từng hy vọng chi phí nhà ở sẽ hạ nhiệt trong năm nay, coi đây là yếu tố để xác định liệu lạm phát đã giảm đủ để ngân hàng trung ương bắt đầu giảm lãi suất hay chưa.

Trong khi chi phí nhà ở và năng lượng tăng nhanh, giá thực phẩm chỉ nhích nhẹ 0,1% so với tháng 2 và 2,2% so với một năm trước. Giá xe hơi cũ giảm 1,1% và chi phí dịch vụ chăm sóc y tế tăng 0,6%.

 

 

 

 

Ông Summers lưu ý rằng chỉ số giá dịch vụ siêu lõi mà các quan chức Fed quan tâm - thước đo loại bỏ chi phí thực phẩm, năng lượng và nhà ở - đã tăng tốc.

“Trên thực tế, với tôi thì việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 có vẻ là một sai lầm nguy hiểm có thể sánh ngang những sai sót mà Fed mắc phải vào mùa hè năm 2021. Chúng ta không thể giảm lãi suất ngay bây giờ”, ông Summers, hiện giáo sư Đại học Harvard, cảnh báo.

Dù vậy, ông cho rằng tình hình vẫn có thể thay đổi vào tháng 6. Các chỉ số kinh tế có thể đảo chiều và thị trường tài chính có khả năng sẽ trượt dốc.

Theo cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, môi trường kinh tế vẫn ủng hộ Fed giảm lãi suất trong năm nay, “nhưng không nhiều như thị trường đã kỳ vọng”. 

 

Ở cuộc họp gần nhất, ngân hàng trung ương Mỹ đã giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn 22 năm. Lần cuối cùng Fed tăng lãi suất là vào tháng 7/2023.

Trong tuyên bố chính sách, Fed cho biết các quan chức vẫn dự kiến sẽ giảm lãi suất ba lần trong năm 2024, nhưng không tiết lộ thời điểm sẽ bắt đầu đảo chiều.

 

 

 

 

 

Yên Khê

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.