|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CPI tháng 3 tăng vượt dự báo, khả năng cao Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất

19:51 | 10/04/2024
Chia sẻ
Chỉ số giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong tháng 3, có khả năng buộc Fed phải giữ nguyên lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Khách mua sắm bên trong một siêu thị ở New Jersey, Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Theo báo cáo được chính phủ Mỹ công bố cách đây ít phút, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong tháng 3.

Dữ liệu mới cho thấy lạm phát vẫn đang ở mức cao và có khả năng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giữ nguyên lãi suất trong một thời gian.

Cụ thể, CPI tháng 3 tăng 0,4% so với tháng trước và 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự đoán CPI tăng 0,3% so với tháng 2 và 3,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng 0,4% so với tháng 2 và 3,8% so với một năm trước. Ước tính của các nhà kinh tế lần lượt là 0,3% và 3,7%.

Chi phí nhà ở và năng lượng là hai yếu tố khiến CPI tăng mạnh hơn dự báo, CNBC nhấn mạnh.

Báo cáo chỉ ra, giá năng lượng đã tăng 1,1% trong tháng 3 sau khi đi lên 2,3% vào tháng 2. Chi phí nhà ở - chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá dùng để tính CPI - nhích 0,4% so với tháng 2 và 5,7% so với cùng kỳ.

Các nhà hoạch định chính sách tại Fed từng kỳ vọng chi phí nhà ở sẽ hạ nhiệt trong năm nay, coi đây là yếu tố để xác định liệu lạm phát đã giảm đủ để ngân hàng trung ương bắt đầu giảm lãi suất hay chưa.

Trong khi chi phí nhà ở và năng lượng tăng nhanh, giá thực phẩm chỉ nhích nhẹ 0,1% so với tháng 2 và 2,2% so với một năm trước. Giá xe hơi cũ giảm 1,1% và chi phí dịch vụ chăm sóc y tế tăng 0,6%.

 

Báo cáo CPI được công bố giữa lúc thị trường đang trở nên căng thẳng và nhiều quan chức Fed đã bày tỏ thái độ thận trọng về định hướng ngắn hạn đối với chính sách tiền tệ.

Các nhà hoạch định chính sách nhiều lần kêu gọi Fed nên kiên nhẫn trong việc giảm lãi suất, nói rằng họ chưa thấy đủ tự tin rằng lạm phát chắc chắn đang quay trở về mức mục tiêu 2%.

Hiện tại, thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 và thực hiện tổng cộng ba đợt giảm trong năm nay với mỗi lần 25 điểm cơ bản, theo dữ liệu của CME Group.

Cuối ngày 10/4 giờ địa phương (tức rạng sáng ngày 11/4 theo giờ Việt Nam), Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 3, cung cấp cho nhà đầu tư thêm thông tin về định hướng của các quan chức.

Ở cuộc họp gần nhất, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn 22 năm. Lần cuối cùng Fed tăng lãi suất là vào tháng 7/2023.

Trong tuyên bố chính sách, Fed cho biết các quan chức vẫn dự kiến sẽ giảm lãi suất ba lần trong năm 2024, nhưng không tiết lộ thời điểm sẽ bắt đầu đảo chiều.

Hợp đồng tương lai gắn với chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau báo cáo CPI, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc nhảy vọt.

Chia sẻ với CNBC, bà Seema Shah - chiến lược gia cấp cao tại Principal Asset Management - cho hay: “Đây là lần thứ ba liên tiếp CPI tăng mạnh và bản báo cáo cho thấy xu hướng thiểu phát đang chững lại”.

Bà Shah cho rằng ngay cả khi số liệu lạm phát tháng tới hạ nhiệt xuống mức dễ chịu hơn, thì Fed hiện đã rất thận trọng và khả năng giảm lãi suất vào tháng 7 cũng có vẻ xa vời. Đến lúc đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến việc ra quyết định của các quan chức Fed.

 

Yên Khê

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.