|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngày càng nhiều chuyên gia dự đoán Fed không giảm lãi suất

14:20 | 08/04/2024
Chia sẻ
Nhà kinh tế Mohamed El-Erian khuyến nghị Fed nên duy trì mức lãi suất hiện nay thêm vài năm nữa để dập tắt lạm phát. Thống đốc Fed Michelle Bowman còn nhận định các nhà hoạch định chính sách cần tăng thêm lãi suất.

(Hình minh họa: iStockphoto). 

Ban đầu, Phố Wall đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 7 lần trong năm 2024. Dần dần, các dự báo được hạ xuống còn ba lần và giờ đây “0” là con số được nhiều người nhắc đến.

Chỉ vài tháng trước, các báo cáo cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt nhanh chóng, khiến các nhà đầu tư hài lòng và kỳ vọng Fed có thể hạ lãi suất từ mức trên 5,5% xuống còn 3,5% vào cuối năm nay.

Song, trong thời gian gần đây, Mỹ cũng đón nhận rất nhiều dữ liệu kinh tế tích cực. Số việc làm hàng tháng tăng mạnh hơn dự kiến, hoạt động sản xuất được cải thiện, GDP quý I được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ 2,5%. Từ các số liệu đó, Fed khó có thể nới lỏng chính sách sớm như kỳ vọng của thị trường.

Fed sẽ không giảm lãi suất trong 2024?

Hôm 4/4, ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, bình luận rằng ngân hàng trung ương Mỹ không có lý do gì để giảm lãi suất khi mà nền kinh tế đang hoạt động tốt.

Ông đặt câu hỏi: “Mọi người có việc làm, doanh nghiệp kinh doanh được, lạm phát đang đi xuống. Vậy vì sao Fed phải hành động?”

Thống đốc Michelle Bowman bày tỏ quan điểm tương tự vào ngày hôm sau. Bà thậm chí còn đề xuất khả năng Fed cần phải tung ra một đợt tăng lãi suất trong năm nay - chứ không phải cắt giảm - nếu lạm phát vẫn vượt quá mục tiêu 2%.

Bà Bowman nói: “Đây không phải kịch bản chính của tôi, nhưng tôi vẫn thấy có rủi ro là trong một cuộc họp chính sách ở tương lai, Fed có thể phải tăng lãi suất nếu đà giảm của lạm phát chững lại hoặc bị đảo ngược”.  

Sau phát biểu của ông Kashkari, chứng khoán Mỹ đã bị bán tháo trong phiên 4/4. Theo ông Ed Yardeni, Giám đốc công ty nghiên cứu Yardeni Research, các nhà đầu tư có lẽ đang bắt đầu hiểu ra rằng kịch bản Fed hạ lãi suất mà họ tin chắc sẽ xảy ra trong năm nay có khả năng sắp bị dẹp bỏ.

Lưu ý ngày 4/4 của ông Yardeni viết: “Dường như các nhà đầu tư đang tính đến khả năng Fed sẽ không giảm lãi suất lần nào trong năm nay”. Ông viết thêm rằng đà tăng gần đây của giá dầu mỏ đe dọa sẽ khiến lạm phát tăng trở lại.

 

Những chuyên gia khác khuyến nghị Fed giữ nguyên lãi suất trong năm nay bao gồm những nhà kinh tế hàng đầu như ông Mohamed El-Erian, cựu CEO của hãng tài chính PIMCO và hiện là Chủ tịch Queen’s College (Đại học Cambridge). Tháng trước, ông El-Erian kêu gọi Fed “chờ thêm vài năm nữa” trước khi hạ lãi suất do lạm phát vẫn dai dẳng.

Ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Apollo Global Management, cảnh báo cơn sốt cổ phiếu AI có thể khiến Fed khó lòng giảm lãi suất trong năm 2024.

Ông giải thích: “Rõ ràng chúng ta đang ở trong bong bóng AI. Tác động phụ của bong bóng là khi giá cổ phiếu công nghệ đi lên, các điều kiện tài chính được nới lỏng, khiến công việc của Fed trở nên phức tạp hơn rất nhiều”.

Tờ Markets Insider dẫn dữ liệu từ thị trường tương lai cho biết xác suất Fed giảm lãi suất vào tháng 6 là 51%. Và theo các nhà phân tích của Bank of America, nếu Fed không bắt đầu hạ lãi suất trong tháng 6 thì khả năng cao là Fed sẽ tiếp tục án binh bất động trong nửa cuối năm - khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến gần.

Bank of America biết trong lưu ý tuần trước: “Nếu Fed nói với thị trường rằng việc giảm lãi suất trong tháng 6 là không hợp lý thì các nhà hoạch định chính sách cũng khó có lý do gì để giảm lãi suất trong những tháng còn lại của năm”.

Ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán

Lãi suất giảm có lợi cho giá cổ phiếu, bởi chúng làm giảm tỷ lệ chiết khấu thường được sử dụng để định giá cổ phiếu, dẫn đến bội số định giá cao hơn. Vì vậy theo lý thuyết, việc Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất có nguy cơ khiến giá cổ phiếu đi xuống.

Nhưng trong dài hạn, yếu tố kéo giá cổ phiếu đi lên là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Lợi nhuận quý I cao hơn dự kiến của các doanh nghiệp Mỹ đã giúp tạo ra lực chống đỡ cho thị trường chứng khoán, dù khả năng Fed hạ lãi suất sụt giảm.

Theo nhận định của tỷ phú đầu tư Ken Fisher, triển vọng tăng trưởng được thúc đẩy bởi nền kinh tế toàn dụng lao động và năng suất gia tăng nhờ trí tuệ nhân tạo có khả năng giúp giá cổ phiếu lên cao hơn nữa dù lãi suất duy trì ở mức cao.

Hơn nữa, nếu thị trường và nền kinh tế Mỹ chịu đựng được lạm phát cao trong thời gian lâu hơn, Fed sẽ có thêm dư địa để giảm lãi suất đáng kể một khi suy thoái kéo đến.

Giang