Chủ tịch Powell: Fed có thời gian để đánh giá dữ liệu trước khi hạ lãi suất
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell báo hiệu các nhà hoạch định chính sách sẽ chờ đợi cho đến khi thấy tín hiệu rõ ràng hơn rằng lạm phát đang tiếp tục đi xuống, sau đó mới bắt đầu giảm lãi suất.
Tuy nhiên, ông nói thêm là tuy các dữ liệu lạm phát gần đây cao hơn dự kiến, kế hoạch giảm lãi suất nói chung của Fed “vẫn không thay đổi nhiều”. Ông lặp lại dự đoán trước đây, nói nhiều khả năng các quan chức sẽ bắt đầu hạ lãi suất “vào một thời điểm nào đó trong năm nay”.
Phát biểu tại Đại học Stanford hôm 3/4, ông Powell bày tỏ: “Về lạm phát, hiện giờ vẫn còn quá sớm để nhận định những dữ liệu gần đây cho thấy mức tăng bất thường hay là điềm báo đà tăng lâu dài. Quan điểm của tôi và các đồng nghiệp là Fed chỉ nên hạ lãi suất chính sách khi chúng tôi có thêm tự tin rằng lạm phát đang hướng về mức 2% một cách bền vững”.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng trước. Các quan chức duy trì dự báo hạ lãi suất ba lần trong năm nay, dù các thước đo lạm phát quan trọng đã tăng trở lại trong năm 2024.
Ông Powell và các nhà hoạch định sách sách khác đã nhiều lần khẳng định họ sẽ không vội giảm chi phí đi vay và các động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ phụ thuộc vào dữ liệu.
Theo tờ Bloomberg, các nhà đầu tư dự kiến Fed sẽ tung ra đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, xác suất khoảng 50%. Giới đầu tư cũng nhận thấy có khả năng Fed sẽ hạ lãi suất ít hơn ba lần trong năm nay.
Ông Powell mở màn bài phát biểu: “Dựa trên sức mạnh của nền kinh tế và những tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát, chúng tôi có thời gian để những chờ những dữ liệu sắp tới chỉ đường cho các quyết định chính sách tiếp theo.
Nếu nền kinh tế tăng trưởng như những gì chúng tôi dự kiến, hầu hết các thành viên của FOMC tin rằng hạ lãi suất chính sách sẽ là hành động thích hợp tại một thời điểm nào đó trong năm nay”.
Bình luận trên giống với những gì ông Powell đã nói sau cuộc họp chính sách tháng 3. Chúng cũng cho thấy có rất ít khả năng Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày 30/4 - 1/5.
Trong tháng 2, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động (PCEPI lõi) tăng 0,3% so với tháng trước. PCEPI lõi của tháng 1 cũng cao hơn 0,4% so với tháng liền kề, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong một năm.
Bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Nationwide Mutual Insurance, bình luận: “Ông Powell có vẻ vẫn mang tư tưởng bồ câu, bởi việc lạm phát tăng vào đầu năm nay có lẽ là hiện tượng bất thường hơn là xu hướng mới.
Bình luận của ông Powell giúp chúng tôi củng cố nhận định rằng Fed có khả năng giảm lãi suất vào tháng 6, nhưng chúng ta cần các dữ liệu cho thấy áp lực giá giảm xuống kể từ tháng 3”.
Hiện tại, bà Bostjancic nghĩ khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 7 cao hơn là tháng 6.
Triển vọng của thị trường lao động
Tháng trước, ông Powell lưu ý sự suy yếu bất ngờ của thị trường lao động cũng có thể dẫn đến phản ứng chính sách từ Fed. Giới chức ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có thêm thông tin về sức khỏe của thị trường việc làm khi báo cáo mới được công bố vào ngày 5/4. Dự kiến báo cáo này sẽ cho thấy Mỹ có thêm 213.000 việc làm trong tháng 3.
Trong vài tuần qua, các nhà hoạch định chính sách đã chia rẽ về số đợt giảm lãi suất trong năm nay. Biểu đồ chấm (dot plot) cho thấy 10 quan chức dự kiến Fed giảm lãi suất ba lần hoặc hơn trong năm nay, mỗi lần giảm 25 điểm cơ bản. 9 người khác cho rằng Fed chỉ hạ lãi suất hai lần hoặc ít hơn.
- TIN LIÊN QUAN
-
Chủ tịch Powell sẽ bảo vệ thị trường lao động dù lạm phát có thể kéo dài hơn 25/03/2024 - 08:52
Cũng trong ngày 3/4, Thống đốc Fed Adriana Kugler nói bà kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống mà không gây ra thiệt hại đáng kể cho thị trường lao động hoặc nền kinh tế.
Bà cho biết: “Nếu xu hướng thiểu phát và thị trường lao động tiếp tục diễn biến như những gì tôi kỳ vọng thì việc giảm lãi suất tại một thời điểm nào đó trong năm nay là phù hợp”.
Tại Đại học Stanford, ông Powell đã trình bày chi tiết về vai trò quan trọng của các yếu tố nguồn cung tới lạm phát, chẳng hạn như tăng trưởng dân số. Dù chưa rõ những yếu tố đó có tiếp tục làm giảm áp lực giá cả trong thời gian tới hay không, Chủ tịch Fed vẫn có vẻ lạc quan.
Ông bình luận: “Có thể các yếu tố phía cung sẽ tiếp tục trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo các cuộc khảo sát, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng hay thu mua nguyên liệu đầu vào cần thiết cho hoạt động kinh doanh. Do vậy, phía cung vẫn có thể tạo ra thêm lợi ích”.