|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ sẽ thăng hoa hay sụp đổ? Các nhà đầu tư hồi hộp chuẩn bị cho cả hai kịch bản

14:00 | 04/04/2024
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đang tích cực mua quyền chọn sẽ sinh lời nếu thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh. Chuyên gia cho biết giới đầu tư đang rất lo sợ về một sự kiện thiên nga đen khiến thị trường lao dốc.

Nhà đầu tư trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. (Ảnh: Reuters). 

Hai thái cực trái ngược

Sau khi chỉ số S&P 500 ghi nhận quý I tích cực nhất trong vài năm qua, các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho hai kịch bản có thể xảy ra, đó là giá chứng khoán tăng cao hơn nữa hoặc lao dốc nghiêm trọng.

Tính toán của nhà đầu tư khi được thể hiện qua thị trường quyền chọn. Nhu cầu dành cho quyền chọn bán có thể sinh lời khi một cuộc điều chỉnh nhẹ xảy ra đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Trong khi đó, các nhà đầu tư đang lặng lẽ phòng vệ cho rủi ro đuôi thông qua việc mua những công cụ sẽ sinh lãi đáng kể nếu giá cổ phiếu biến động mạnh, nhưng không có ích gì nếu thị trường giảm nhẹ. 

Nhìn chung, Phố Wall có vẻ không mấy lo ngại về một đợt giảm giá nhỏ, nhưng nhà đầu tư đang ngày càng bất an rằng một rủi ro bất ngờ có thể khiến thị trường giá lên ngã nhào.

Ông Rocky Fishman, nhà sáng lập công ty phân tích chứng khoán phái sinh Asym 500, bình luận: “Chúng ta có thể liệt kê ra rất nhiều rủi ro đuôi và thị trường cũng đã đi lên khá nhiều trong thời gian qua, do đó tôi không ngạc nhiên khi thấy nhu cầu cho các công cụ phòng vệ rủi ro đuôi tăng lên”.

Rủi ro đuôi là loại rủi ro có xác suất xảy ra cực nhỏ nhưng có khả năng gây ra thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư.

 

Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục xu hướng hạ nhiệt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sẽ hạ lãi suất trong năm nay, sự biến động của lãi suất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022, tạo ra môi trường thuận lợi cho chứng khoán.

Chỉ số S&P 500 tăng 10% trong quý I - đánh dấu khởi đầu năm thuận lợi nhất kể từ năm 2019 - và thiết lập 22 kỷ lục trong ba tháng đầu năm 2024.

Đà tăng của thị trường chủ yếu được thúc đẩy bởi một số cổ phiếu quan trọng, nhưng các nhà đầu tư đã bắt đầu để mắt đến những cổ phiếu ít được yêu thích hơn.

Cổ phiếu vốn hóa nhỏ có vẻ đang trên đà phục hồi. Tỷ suất sinh lời của S&P 500 đánh bại chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100 trong quý I sau khi chịu thua liên tục trong 4 quý năm 2023.

Bề rộng của thị trường được cải thiện, mỗi phiên trong quý I đều có từ 70% cổ phiếu thuộc S&P 500 được giao dịch với mức giá cao hơn đường MA 200. 

Bà Lisa Shalett, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Wealth Management, bình luận: “Thị trường có vẻ ngày càng tin tưởng vào kịch bản nền kinh tế hạ cánh mềm hoặc không hạ cánh nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định.

Vậy nên cũng hợp lý khi chúng ta thấy có nhiều nhóm cổ phiếu tăng giá hơn so với trước. Ngay cả cổ phiếu trong các ngành mang tính chu kỳ như công nghiệp, vật liệu và năng lượng cũng có tiềm tăng tốt”.

 

Nỗi sợ "thiên nga đen"

Niềm tin kể trên đang thúc đẩy các nhà đầu tư bỏ qua việc phòng vệ trước một đợt điều chỉnh nhỏ. Song, họ lại lo lắng về nguy cơ xảy ra thảm hoạ và đang thiết lập vị thế cho trường hợp biến động nhảy vọt. Khối lượng quyền chọn mua trung bình hàng ngày đối với chỉ số biến động Cboe - gọi tắt là chỉ số VIX - trong quý I cao hơn hai quý trước đó.

Bà Mandy Xu, Phó Giám đốc của Cboe Global Markets, bình luận: “Các nhà đầu tư không có quá lo âu về định giá, lợi nhuận, hay bất cứ chất xúc tác thông thường nào có thể gây ra một cuộc điều chỉnh giá. Nhưng họ rất quan ngại về các sự kiện thiên nga đen có khả năng khiến biến động tăng cao”.

Rủi ro chính đối với thị trường là thời điểm và quy mô Fed cắt giảm lãi suất. Tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell đã lần nữa nhấn mạnh rằng Fed sẽ không vội vàng nới lỏng chính sách. Khả năng lãi suất được giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn có thể sẽ khiến tâm trạng hồ hởi của các nhà đầu tư chùng xuống trong quý tiếp theo.

Một nguy cơ khác là thị trường chung có thể sụt giảm mạnh nếu các cổ phiếu AI chững lại. Barclays cảnh báo trong lưu ý gần đây rằng các vấn đề liên quan đến vị thế và kỹ thuật có nguy cơ khiến cổ phiếu công nghệ trở thành nhóm bị bán tháo sớm nhất và dẫn đầu cú lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ. 

Giang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.