Đồng yen suy yếu sau khi Mỹ công bố dữ liệu mạnh mẽ bất ngờ, BoJ có thể sẽ can thiệp
Đồng yen đã yếu đi sau khi dữ liệu sản xuất tốt bất ngờ của Mỹ thúc đẩy USD tăng giá. Các nhà đầu tư nhận định rất có thể các quan chức Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường nếu tỷ giá chạm mốc 152 JPY/USD.
Hôm 1/4, báo cáo do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố cho thấy chỉ số PMI sản xuất của Mỹ đã tăng 2,5 điểm lên 50,3 điểm vào tháng 3, chấm dứt chuỗi 16 tháng sụt giảm và cao hơn mọi ước tính của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg. Sau báo cáo, giá yen sụt 0,2% so với USD.
Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đã củng cố niềm tin của một số nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không vội hạ lãi suất. Diễn biến này giúp ích cho USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng thời gây áp lực lên đồng yen và tiền tệ của các nước thuộc nhóm G-10 khác.
Các nhà đầu tư đang trong trạng thái khá nhạy cảm bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã cảnh báo rằng các quan chức đang tập trung theo dõi đồng yen và sẵn sàng thực hiện những biện pháp thích hợp để kiềm chế biến động quá lớn trên thị trường.
Ông Brad Bechtel, Giám đốc về ngoại hối tại ngân hàng đầu tư Jefferies, bình luận: “Các nhà chức trách Nhật Bản có vẻ lo lắng về mốc 152 JPY/USD. Cá nhân tôi thấy trên biểu đồ dài hạn, đây là mức kháng cự tốt. Tôi không nghĩ các quan chức sẽ phản ứng nếu yen dần đi xuống 152 JPY/USD. Nhưng họ có thể sẽ hành động nếu tỷ giá đột ngột giảm mạnh xuống 154 hoặc 155 JPY/USD”.
Theo tờ Bloomberg, giới chức Nhật Bản đã tuyên bố họ sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ nếu cần để ngăn đồng yen trượt giá. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, yen đã giảm khoảng 7% so với USD. Năm ngoái, yen là đồng tiền mất giá mạnh nhất so với USD trong nhóm tiền tệ của các nước G-10.
Dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã chấm dứt chính sách lãi suất âm, các nhà đầu tư vẫn chú ý đến cách biệt giữa lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ.
Ông Taro Kimura, nhà kinh tế của Bloomberg Economics, bình luận: “Có thể các quan chức sẽ chờ cho yen chọc thủng mốc 152 JPY/USD và hành động sau khi làn sóng bán tháo yen ban đầu kiệt quệ, qua đó tăng cường tác động của biện pháp can thiệp.
Mô hình của chúng tôi cho thấy triển vọng của yen khá cân bằng nhưng khả năng tăng giá có trội hơn chút đỉnh. Điều này cho thấy đây có thể là cơ hội hiếm hoi để sự can thiệp của BoJ đạt được thành công”.
Sau chỉ số sản xuất ISM tháng 3, các nhà đầu tư đang chuyển sự chú ý sang dữ liệu về thị trường lao động của Mỹ. Các báo cáo việc làm mới dự kiến sẽ được công bố vào ngày 2 và 5/4. Số liệu lạm phát vào tuần tới cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư.