|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Tập bất ngờ gợi ý PBoC mua bán trái phiếu chính phủ, chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai?

11:12 | 02/04/2024
Chia sẻ
Tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gợi ý các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc giao dịch trái phiếu chính phủ để điều tiết thanh khoản trên thị trường. Đến tuần trước, bình luận này mới công khai trên truyền thông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Bloomberg).

Lời kêu gọi giao dịch trái phiếu chính phủ

Cuối năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gợi ý các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể bắt đầu giao dịch trái phiếu chính phủ để điều tiết thanh khoản trên thị trường - một chiến lược mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng sử dụng.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra bình luận vào tháng 10 năm ngoái nhưng những nhận xét đó chỉ được công bố gần đây trong một cuốn sách và một số bài báo mới.

Việc ông Tập kêu gọi ngân hàng trung ương “tăng dần việc mua và bán trái phiếu chính phủ” thông qua hoạt động thị trường mở làm dấy lên nhiều đồn đoán vào tuần trước. Có thể Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ đảo chiều chính sách bởi họ đã không mua đáng kể trái phiếu kể từ năm 2007.

Ông Liu Le, nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NIFD), cho hay: “Ngân hàng trung ương ở các nước khác thường sử dụng trái phiếu chính phủ hoặc tín dụng nhà nước làm cơ sở để phát hành tiền. Đây là hướng đi cần thiết để PBoC và hệ thống tiền tệ của Trung Quốc trở nên hiện đại hơn".

Những bình luận của ông Tập khiến một số nhà giao dịch cho rằng Bắc Kinh có thể đang xem xét nới lỏng định lượng (QE), một dạng kích thích để hạ lợi suất trái phiếu và thúc đẩy hoạt động kinh tế.

QE lần đầu được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sử dụng cách đây hơn hai thập kỷ, sau đó Fed và các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới học theo trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch COVID-19 năm 2020.

Tình trạng yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia tranh luận suốt vài tháng qua rằng liệu Bắc Kinh có đang xem xét các chính sách quyết liệt hơn để hỗ trợ một số lĩnh vực như bất động sản hay không.

PBoC hiện đã sử dụng các chương trình cho vay có mục tiêu mà một số nhà phân tích ví như QE vì chúng mở rộng bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương.

 

Những điểm khác biệt so với Fed

Chia sẻ với Bloomberg, nhiều nhà kinh tế không thực sự tin rằng lời kêu gọi giao dịch trái phiếu chính phủ của ông Tập sẽ tạo ra một thay đổi lớn trong chính sách của Trung Quốc.

Theo các nhà kinh tế này, có một điểm đáng chú ý là ông Tập đặc biệt đề cập đến việc mua và bán trái phiếu. Đây là một điểm khác so với QE, vốn thường liên quan đến việc mua và nắm giữ trái phiếu và các tài sản khác, đặc biệt là ở quy mô lớn.

Hơn nữa, lãi suất ở Trung Quốc vẫn cao hơn nhiều so với mức 0. PBoC không có nhiều lý do để cân nhắc QE, một công cụ khẩn cấp mà các ngân hàng trung ương thường dùng để thúc đẩy nhu cầu khi lãi suất ngắn hạn đã đi ngang.

Cuối tuần trước, Bloomberg gửi yêu cầu bình luận đến PBoC về bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng không nhận được phản hồi.

Trước đây, PBoC từng phát tín hiệu không tán thành QE. Các cựu thống đốc PBoC đề cập đến những rủi ro tiềm ẩn từ QE và cảnh báo việc mua tài sản sẽ gây tổn hại thị trường, ảnh hưởng danh tiếng ngân hàng trung ương và tạo ra “rủi ro đạo đức”.

Thay vào đó, giao dịch trái phiếu chính phủ có thể được coi là công cụ bổ sung tốt nhất để PBoC bơm thanh khoản vào thị trường và đảm bảo lãi suất duy trì ở mức ổn định.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã có một số biện pháp khác để bơm tiền vào nền kinh tế. PBoC có thể bơm vốn thông qua cơ chế cho vay trung hạn hàng tháng để hỗ trợ hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Song, những biện pháp trên cũng có nhược điểm. Các nhà kinh tế cho rằng PBoC không còn nhiều dư địa để giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Các khoản vay cần phải được gia hạn. Bất kỳ đánh giá sai lầm nào về nhu cầu thanh khoản đều có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tiền mặt nghiêm trọng.

Trong một lưu ý hôm 28/3, các nhà kinh tế Nina Zhang và Wang Tao của UBS Group cho rằng PBoC “cần linh hoạt trong việc quản lý thanh khoản và cần nhiều công cụ hơn để mở rộng bảng cân đối kế toán”.

Chưa rõ thời điểm

Mặc dù chỉ thị từ ông Tập cho thấy ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu mua trái phiếu, thời điểm thực tế của các giao dịch vẫn còn là đề tài tranh luận.

Ông Liu của NIFD cho biết quá trình mua trái phiếu của PBoC sẽ “diễn ra rất chậm” và thay đổi vẫn đang trong “giai đoạn lên kế hoạch”.

Các chuyên gia khác cho rằng Bắc Kinh sắp bơm kích thích tài khoá cho nền kinh tế, đồng nghĩa rằng PBoC sẽ bắt đầu quá trình mua trái phiếu vào một thời điểm nào đó trong năm nay.

Theo báo cáo mới đây của các nhà kinh tế Goldman Sachs, động thái của PBoC sẽ giúp giảm bớt áp lực thanh khoản do nguồn cung trái phiếu tăng vọt. Bắc Kinh đã lên kế hoạch phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 138 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt trong năm 2024.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng không rõ việc PBoC tăng mua trái phiếu sẽ tác động như thế nào đến lợi suất tại Trung Quốc.

Lợi suất có thể giảm trong ngắn hạn vì việc mua nợ của PBoC sẽ “giúp cải thiện niềm tin của thị trường về tính thanh khoản và khả năng tiêu thụ nguồn cung trái phiếu trong tương lai”, theo chiến lược gia Philip Yin của Citigroup.

Tác động trong dài hạn có thể sẽ lẫn lộn hơn. Nếu Trung Quốc kết hợp nhiều công cụ thanh khoản với các chính sách khác để ổn định tăng trưởng kinh tế, nhà đầu tư có thể tránh xa các tài sản an toàn để theo đuổi tài sản rủi ro hơn.

Bất luận chiến lược của Trung Quốc ra sao, bình luận của ông Tập gây xôn xao là có lý do. Một khi ngân hàng trung ương bắt đầu giao dịch trái phiếu chính phủ, mọi thứ có thể tăng tốc rất nhanh chóng.

Đơn cử, BoJ từng dự định sẽ giới hạn quy mô đợt QE đầu tiên vào năm 2001 nhưng sau đó lại mua thêm trái phiếu. Khi triển khai đợt QE thứ hai vào năm 2013, BoJ đã biến chương trình giao dịch trái phiếu thông thường (được gọi là rinban) thành một kế hoạch mua tài sản khổng lồ.

Nói cách khác, giữa việc mua trái phiếu như một công cụ thanh khoản và mua trái phiếu để kích thích nền kinh tế đôi khi có rất ít sự khác biệt.

Yên Khê