Biến động giá nguyên liệu và sức ép cạnh tranh nội ngành đang ghìm chân doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi
Trong báo cáo ngành thức ăn chăn nuôi, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đạt khoảng 13 triệu tấn/năm, chiếm 35%. Điều này có nghĩa Việt Nam phải nhập khẩu đến 65% từ thị trường bên ngoài, tương đương 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt trên 5 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ngô chiếm 58% với 2,9 tỷ USD, tăng 8,5%.
Thị trường nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất là Argentina, chiếm 29,8%; Brazil chiếm 20,2% và Mỹ chiếm 12,8%.
Vietnam Report cho rằng chính vì phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu nên những biến động trên thị trường quốc tế trong thời gian gần đây đã được phản ánh chân thực vào bức tranh tổng thể của ngành thức ăn chăn nuôi trong nước.
Cụ thể theo kết quả khảo sát, những yếu tố đang tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi bao gồm biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, rủi ro từ chuỗi cung ứng, sức ép từ tỷ giá gia tăng, lạm phát tăng cao đột biến ở hầu hết các quốc gia và bất ổn chính trị trên thế giới…
Dù vậy vẫn có 40% số doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát cho rằng triển vọng ngành thức ăn chăn nuôi năm 2023 vẫn tăng trưởng khả quan, trong đó phân khúc thức ăn chăn nuôi dành cho heo được dự đoán sẽ dẫn đầu thị trường về doanh thu vào năm 2028.