Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao
Theo báo Chính phủ, trên thị trường nội địa, giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt so với tuần trước, nhưng vẫn neo ở mức giá cao.
Cụ thể, giá ngô giao vào cuối năm nay tại cảng Cái Lân đang được chào bán trong khoảng 8.950 đồng/kg, giao vào quý I năm sau ở khoảng 9.150 - 9.500 đồng/kg trong khi giá khô đậu tương được bán trong khoảng 14.850 đồng/kg cho kỳ hạn giao đến cuối năm nay.
Với mức giá như hiện tại, các nhà máy thức ăn chăn nuôi sẽ ít mua hàng và hoạt động thương mại có thể sẽ diễn ra ảm đạm trong vài ngày tới. Càng gần tới Tết nguyên đán 2023, nhu cầu nhập khẩu sẽ càng cao hơn, khi đó nếu giá nhập khẩu vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp sẽ vẫn phải mua hàng để đảm bảo ổn định sản xuất trước Tết.
Cục Chăn nuôi thông tin tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Mọi chi phí sản xuất tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, có thời điểm giảm dưới giá thành sản xuất khiến không ít hộ chăn nuôi bị thua lỗ, thậm chí phải "treo" chuồng.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phân tích trong hệ thống chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 65 – 70% chi phí sản xuất.
Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp, có công nghệ sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào cho hệ thống sản xuất mới là quan trọng. Năm 2021, sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần sử dụng lên đến 33 triệu tấn, trong đó 65% phụ thuộc nhập khẩu.
Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, cần chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi trong đó có ngô (ngô hạt và ngô sinh khối). Tuy nhiên, để làm được điều này phải có chính sách thu gom, tích tụ ruộng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi.