Bảo lãnh ngân hàng (Bank guarantee) là gì? Qui định của pháp luật về bảo lãnh ngân hàng
Hình minh họa (Nguồn: TheBank).
Bảo lãnh ngân hàng (Bank guarantee)
Bảo lãnh ngân hàng - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Bank guarantee.
Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 qui định: "Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận."
Một số qui định cụ thể của pháp luật về hoạt động bảo lãnh ngân hàng
Phạm vi bảo lãnh
Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ tài chính mà bên được bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện với bên nhận bảo lãnh.
Điều kiện đối với khách hàng
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
- Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo qui định của pháp luật.
- Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp.
- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Thỏa thuận cấp bảo lãnh
Để thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng kí thỏa thuận cấp bảo lãnh. Trường hợp phát hành bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng thì bên bảo lãnh không bắt buộc phải kí thỏa thuận cấp bảo lãnh với bên bảo lãnh đối ứng.
Thỏa thuận cấp bảo lãnh phải có các nội dung sau:
- Các qui định pháp luật áp dụng;
- Thông tin về các bên trong quan hệ bảo lãnh;
- Nghĩa vụ được bảo lãnh;
- Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh;
- Hình thức phát hành cam kết bảo lãnh;
- Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Phí bảo lãnh;
- Thỏa thuận về bắt buộc nhận nợ trả thay, lãi suất áp dụng đối với số tiền trả thay và nghĩa vụ, thời hạn hoàn trả nợ khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
- Số hiệu, ngày kí, hiệu lực của thỏa thuận;
- Giải quyết tranh chấp phát sinh.
Ngoài ra các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác trong thỏa thuận cấp bảo lãnh không trái với qui định của pháp luật.
Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nội dung thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên liên quan thỏa thuận, quyết định trên cơ sở đảm bảo tuân thủ qui định của pháp luật. (Theo Thông tư 07/2015/TT-NHNN qui định về bảo lãnh ngân hàng)