Bảo hộ ngành đường đến bao giờ?
...
Khủng hoảng ngành đường thế giới: Giá đường giảm mạnh, cung vượt cầu 10,5 triệu tấn | |
Lời 'kêu cứu' của ngành đường |
Giá đường nêu trên tính ra tiền đồng tương đương 8.000 đồng/ki lô gam và còn cao hơn giá thành sản xuất đường của quốc gia gần Việt Nam là Thái Lan. Đường lậu vào Việt Nam ước tính khoảng nửa triệu tấn/năm chủ yếu từ Thái Lan - theo Hiệp hội Mía đường. Và cho dù đầu tháng 6 vừa qua Chính phủ đã đồng ý lùi thời hạn thực hiện hiệp định ATIGA sang năm 2020 thay vì năm 2018 với ngành đường, thì câu chuyện của ngành mía đường trong nước vẫn còn nguyên đó, khó có thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề là giá thành sản xuất đường của doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung quá cao, khiến mặt hàng này không thể cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.
Đại diện của Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết đường Thái Lan vào Việt Nam chỉ cần bán 8.000-8.500 đồng/ki lô gam là có lời, trong khi giá thành sản xuất của nhiều nhà máy đường Việt khoảng 10.000 đồng/ki lô gam. Nhà máy Đường Quảng Ngãi nhờ chạy bằng bã mía và rác, giá thành sản xuất thuộc loại thấp trong nước, cũng tới 9.200 đồng/ki lô gam. Lợi nhuận của Công ty Đường Quảng Ngãi (QNS-UpCom) chủ yếu đến từ kinh doanh sữa đậu nành, còn từ mảng đường rất không đáng kể, có năm hòa vốn.
Hiện nay giá đường bán lẻ tại các siêu thị, tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, chợ... dao động từ 11.000-13.000 đồng/ki lô gam. Nếu ATIGA được thực hiện ngay năm nay, đường từ các nước Asean nhập vào Việt Nam hưởng thuế suất 0%, thì giá đường bán lẻ hiển nhiên sẽ về khoảng 10.000 đồng/ki lô gam, thậm chí thấp hơn. Ở mức giá này, những doanh nghiệp như QNS vẫn có lợi nhuận từ mảng đường, nhưng đa số các doanh nghiệp khác sẽ vô cùng khó khăn nếu không muốn nói sẽ phá sản.
Ngành đường được bảo hộ từ nhiều năm qua và nay tiếp tục được bảo hộ trên cơ sở chính là hy sinh quyền lợi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt phải ăn đường giá cao hơn giá quốc tế. Thế nhưng từng ấy năm bảo hộ vẫn không thể giúp doanh nghiệp đường tự đứng được trên đôi chân của mình khi mà năng suất mía thấp, trình độ cơ giới hóa manh mún, công nghệ sản xuất lạc hậu. Đã nhiều lần, các doanh nghiệp đường đề nghị được bảo hộ để cứu nông dân - những người trồng mía - nhưng bao nhiêu phần trăm của sự bảo hộ đến được với người trồng mía thì chưa ai, chưa cơ quan quản lý nào tính toán.
Nhiều nơi nông dân đã chuyển từ trồng mía sang các cây trồng khác. Nông dân có thể “chịu trận” với cây mía một vài vụ, chứ không thể mãi mãi. Có chăng sự thua lỗ vẫn tiếp tục nằm ở doanh nghiệp đường. Giờ đây là sự chọn lựa: cứu doanh nghiệp đường hay trả lại công bằng cho người tiêu dùng. Không thể ép người tiêu dùng phải mua đường giá cao mãi.
Ngoài người tiêu dùng trực tiếp, các doanh nghiệp sản xuất sữa, nước giải khát, bánh kẹo... tiêu thụ một lượng đường không nhỏ hàng năm. Các doanh nghiệp đó cũng đang phải mua đường giá cao hơn giá tại các nước và điều này làm tăng giá thành sản phẩm, buộc họ phải nâng giá bán đầu ra tương ứng. Ở đây người tiêu dùng thêm một lần nữa, gián tiếp chịu trận giá cao.
Thay bằng bảo hộ (mà chưa biết còn kéo dài đến bao giờ), Nhà nước đáng lẽ phải sử dụng ATIGA như một công cụ để sàng lọc ngành mía đường. Các doanh nghiệp yếu kém không thể cạnh tranh cần rời cuộc chơi, nhường thị trường cho những công ty biết đầu tư cho năng suất cây mía, cho công nghệ, cho quản trị doanh nghiệp. Nhà nước không thể cứ mãi lãng quên quyền lợi người tiêu dùng vì đây mới là đối tượng tạo sức mua, tạo vòng quay tăng trưởng cho nền kinh tế.
Cho tới nay cùng với đường, giá một số hàng hóa nông sản như cao su, tiêu, cà phê chưa ra khỏi chu kỳ khủng hoảng. Nhìn sang cao su, hiện giá mặt hàng này ngày 12-6-2018 ở mức 185 yen/ki lô gam, khá gần mức đáy 150 yen/ki lô gam thiết lập năm ngoái, năm kia (nguồn Bloomberg). Ngay cả ở mức giá thấp như vậy, nhiều công ty cao su của Việt Nam vẫn sống khỏe và họ đâu có “đòi” Nhà nước bảo hộ. Số lượng công nhân ngành cao su lớn lắm, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người, đâu có kém công nhân hay nông dân trồng mía. Chưa kể cao su tiểu điền là do nông dân trồng, khai thác và bán cho các công ty lớn hoặc thương lái chứ ai? Nhà nước có bảo hộ cho người làm cao su tiểu điền không?
Ngày nay đường không còn là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống con người như vài thập niên trước. Lượng đường tiêu thụ trên đầu người ngày một giảm đi trên phạm vi toàn thế giới và cả Việt Nam vì lý do sức khỏe. Thay bằng cứ bám lấy, níu kéo một ngành sản xuất lạc hậu, quy hoạch ngành mía đường phải thay đổi, mà trước hết là vì lợi ích người tiêu dùng, lợi ích của mọi tầng lớp người dân.
...
...
...