|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19?'

13:24 | 12/08/2020
Chia sẻ
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng 1,8% trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nhưng vẫn thuộc hàng năng động nhất trên thế giới.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng chống chịu trước COVID-19 - Ảnh 1.

Báo cáo "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19"

Thế giới lâm vào một cuộc suy thoái sâu rộng do ảnh hưởng của COVID-19 

Báo cáo "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19" mới đây ghi nhận nền kinh tế toàn cầu đã rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vài thập kỉ qua. 

GDP toàn cầu dự kiến suy giảm 5,2% trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 và các biện pháp được tiến hành để kiềm chế dịch bệnh theo thời gian. 

Không những cả thế giới phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất mà có lẽ hầu hết quốc gia đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động của đại dịch. Ngoại trừ khu vực Đông Á, tất cả khu vực còn lại đều đưa ra báo cáo tăng trưởng GDP xuống mức âm trong năm 2020. 

Tương tự, chỉ có 57 trên 191 quốc gia dự kiến có tăng trưởng GDP từ năm 2019 đến năm 2020, thấp hơn con số 171 cách đây một năm. 

Nền kinh tế Việt Nam bị tổn thương nhưng vẫn có khả năng chống chịu 

COVID-19 là cú sốc y tế buộc chính phủ các quốc gia trên thế giới phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa cứu sống nhân mạng hay hạn chế hoạt động kinh tế. Trong lúc nhiều quốc gia còn do dự chưa đồng thuận nên xử lí theo hướng nào, Việt Nam đã có những phản ứng nhanh và mạnh dạn. 

Các biện pháp ứng phó sớm - xét nghiệm có mục tiêu, theo dõi lây nhiễm, kết hợp với các chiến dịch truyền thông sáng tạo - cho thấy hiệu quả rất cao. 

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng 1,8% trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế Việt Nam như vậy đã bị tổn thương nhưng vẫn thuộc hàng năng động nhất trên thế giới. Khả năng chống chịu về kinh tế có thể được lí giải qua hai giai đoạn. 

Giai đoạn một từ tháng 2 đến tháng 4

Khu vực doanh nghiệp nước ngoài là động lực chính với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (ròng) tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục trên 10% một tháng (so cùng kì năm trước). 

Cũng trong giai đoạn một, khu vực kinh tế trong nước bị suy giảm do gia tăng giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, đỉnh điểm là yêu cầu cách li gần như toàn xã hội trên toàn quốc vào tháng 4. 

Trong giai đoạn hai từ tháng 5 đến tháng 7

Khu vực kinh tế trong nước được phục hồi khi các cấp có thẩm quyền bắt đầu nới lỏng hầu hết các biện pháp hạn chế đi lại - điển hình là sản xuất chế tạo và chế biến tăng đến trên 30% trong hai tháng vừa qua. 

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu giảm do sức cầu yếu hơn ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài cũng có dấu hiệu yếu đi. 

Thông điệp đem lại từ đại dịch toàn cầu

Về tổng thể, mặc dù nền kinh tế tỏ ra có khả năng chống chịu, nhưng nhiều người dân và doanh nghiệp đã cảm nhận được thực tế khốc liệt của đại dịch lần này. 

Dựa trên một số nguồn thông tin, bao gồm của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, dữ liệu kinh tế ngành, khảo sát qua điện thoại, kết hợp với sử dụng dữ liệu lớn, chúng tôi đúc rút ra bốn thông điệp như sau: 

- Mặc dù nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng hầu hết tác động chỉ mang tính tạm thời và giảm dần theo thời gian. 

- Doanh nghiệp gia đình (chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam) bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người làm công ăn lương nhưng lại thể hiện mức độ linh hoạt cao hơn khi họ phục hồi lại nhanh chóng trong hai tháng qua.

- Tác động trong từng ngành và giữa các ngành có sự khác biệt đáng kể, trong đó ngành dịch vụ du lịch và vận tải, các hoạt động chế tạo và chế biến xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất, còn ngành nông nghiệp tương đối được miễn nhiễm. 

- Tác động của cách li và nới lỏng các biện pháp hạn chế có tác động khác nhau theo khu vực. Các tỉnh miền bắc bị các biện pháp giãn cách xã hội ảnh hưởng nhiều nhất, còn khu vực miền trung phục hồi nhanh hơn các vùng miền khác. 

Biến khủng hoảng thành cơ hội 

Hầu hết nền văn hóa đều thấm nhuần quan điểm cho rằng trong nguy có cơ. Khủng hoảng COVID-19 đem lại cơ hội đặc thù cho Việt Nam. Quốc gia có thể tận dụng một số siêu xu hướng để củng cố dấu ấn của mình trên nền kinh tế thế giới, đồng thời đẩy mạnh nghị trình cải cách chính sách của mình, nhất là cải thiện về cung cấp dịch vụ thông qua công nghệ số. 

Đời sống con người được quan tâm nhiều hơn cũng giúp tạo ra những thay đổi cần có về hành vi của các cá nhân và tập thể hướng tới quản lí nguồn tài nguyên của quốc gia theo hướng có trách nhiệm hơn. 

Một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam là ngăn ngừa bất bình đẳng trỗi dậy vì COVID-19 dường như gây ra tác động khác nhau cho cả doanh nghiệp và người dân. 

Thực chất, một số ngành nghề bị các biện pháp hạn chế gây ảnh hưởng nhiều hơn, trong khi lại có những ngành nghề trở nên mạnh hơn nhờ cách li. 

Những tác động khác biệt nêu trên không chỉ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn, mà còn định hình cho các xu hướng trên thị trường việc làm và hoạt động của doanh nghiệp ở Việt Nam trong tương lai.

Chi tiết về Báo cáo "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19"

Phùng Nguyệt

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.